Phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Nguyễn Trọng Danh

Thương hiệu mạnh là vũ khí cạnh tranh hữu hiệu

Cập nhật, 05:15, Thứ Năm, 22/08/2019 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết 05- NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1715 QĐ-UBND ngày 11/8/2017 phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đợt 4 năm 2017- 2018, trong đó có đề tài: “Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp (DN) tỉnh Vĩnh Long”. 

Đề tài được giao cho Viện Quản trị Quốc tế chủ trì, thực hiện từ tháng 6/2018 đến hết tháng 5/2020. Đại diện đơn vị quản lý đề tài, ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Vĩnh Long đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Vĩnh Long. Ảnh tư liệu của Khánh Duy
Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Vĩnh Long. Ảnh tư liệu của Khánh Duy

* Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm xây dựng thương hiệu mạnh DN của UBND tỉnh? 

- Từ lâu, UBND tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu bằng nhiều chương trình hành động thiết thực. Đặc biệt, giai đoạn 2013- 2017, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) kết hợp với Viện Quản trị Quốc tế hỗ trợ các DN xây dựng chiến lược thương hiệu tiêu biểu trong địa bàn tỉnh. Nhiệm kỳ 2015- 2020, Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm và đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/7/2016 về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. 

Tuy nhiên, cho đến nay, Vĩnh Long chưa có chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu DN của tỉnh. Đa phần các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu hiện nay đang tập trung hỗ trợ cho từng DN, chưa mang tính chiến lược tổng thể của địa phương, chưa có tiêu chí chung xây dựng phát triển thương hiệu mạnh, chưa trở thành chương trình xuyên suốt hỗ trợ cho cộng đồng DN Vĩnh Long. Chính vì vậy, theo tôi, quyết tâm của UBND tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu mạnh DN là rất kịp thời và cấp thiết.

* Được biết, Viện Quản trị Quốc tế đã thực hiện nhiều khảo sát để đánh giá thực trạng, tầm nhìn, sự hiểu biết của các DN tỉnh Vĩnh Long trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu?  

- Viện Quản trị Quốc tế đã khảo sát 70 DN kinh doanh trong các lĩnh vực: thực phẩm, dịch vụ, hàng tiêu dùng, công nghiệp, nông nghiệp, gia dụng, giáo dục, y tế thuộc hầu hết các mô hình kinh tế. Kết quả, có đến 52% DN không có người chuyên trách làm marketing/thương hiệu.

Khi xây dựng và phát triển thương hiệu 28% DN gặp khó khăn do không có ngân sách làm marketing. Tính đến năm 2018, 56% DN không lập kế hoạch marketing.

Có 46% DN không có hệ thống nhận diện thương hiệu, 39% DN đã có và đang áp dụng, 15% không biết hệ thống nhận diện thương hiệu là gì,… Đây là những lý do chính dẫn đến kết quả là Vĩnh Long chưa có nhiều thương hiệu mạnh nằm trong nhóm thương hiệu quốc gia. 

Số thương hiệu DN bước ra thị trường thế giới còn rất khiêm tốn, chủ yếu chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL. Qua khảo sát có một tín hiệu vui là 77% DN nhận thức được sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. 

* Từ kết quả khảo sát trên, đội ngũ thực hiện đề án sẽ tiến hành những hoạt động gì để đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông? 

- Mục tiêu của đề tài là phấn đấu có ít nhất 20 DN của tỉnh đạt được thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, cấp quốc gia. Đến năm 2020 có 80% DN tham gia xây dựng thương hiệu; 50% DN có kế hoạch phát triển thương hiệu; 50% DN có nhân sự chuyên trách hoạt động marketing/thương hiệu.

Viện Quản trị Quốc tế sẽ phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ,… tổ chức tọa đàm, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó là việc tổ chức tuyên truyền nhằm đảm bảo 100% DN hiểu được lợi ích của xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giữa các DN Vĩnh Long với tổ chức thương mại các ngành nghề cũng sẽ góp phần thiết thực cho sự thành công của đề án.

Việc tư vấn hỗ trợ giải pháp chiến lược phát triển thương hiệu cho các DN trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng DN; nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, gia tăng thị phần, thu hút người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; tập huấn kiến thức xây dựng chiến lược thương hiệu mạnh, định vị thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ cũng được đẩy mạnh.

Kế hoạch xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu DN tỉnh Vĩnh Long sẽ giúp DN đạt tiêu chí thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, cấp quốc gia.

Việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề, các sản phẩm chế biến và xuất khẩu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn hóa quy trình về xây dựng và phát triển thương hiệu cho các DN khác trên địa bàn tỉnh.  

* Theo đánh giá của ông, thành công của đề tài sẽ tác động thế nào đến các DN trong việc đầu tư và phát triển kinh doanh?  

- Tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các DN nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Họ đầu tư cho truyền thông thương hiệu với ngân sách lớn và còn kiểm soát rất hiệu quả các kênh phân phối. Có thể nói, lợi thế sân nhà của các DN Việt Nam nói chung cũng như Vĩnh Long nói riêng ngày càng giảm, đặc biệt là về kênh phân phối. 

 Tham gia chương trình, DN được quảng bá thương hiệu, qua đó người tiêu dùng sẽ nhớ và yêu mến thương hiệu của DN, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị phần và kênh phân phối,...

Có thể nói, tham gia Đề tài Xây dựng thương hiệu mạnh DN Vĩnh Long là quyết định đầu tư cho tương lai, vừa được hỗ trợ ngân sách xây dựng thương hiệu, vừa đạt mục tiêu chiến lược của từng DN.

* Xin cảm ơn ông!

 THẢO LY (thực hiện)