Điện thắp sáng các tuyến đường ở Tân Quới

Cập nhật, 05:16, Thứ Năm, 22/08/2019 (GMT+7)

Xác định điện thắp sáng có ý nghĩa trong việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường, giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an ninh. Những năm qua, Đảng bộ xã Tân Quới (Bình Tân) đã noi theo Di chúc của Bác Hồ phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đầu tư hệ thống điện thắp sáng trên hầu hết các tuyến đường chính của xã.

Tuyến đường ở ấp Tân Hòa ngày càng đẹp và sáng hơn.
Tuyến đường ở ấp Tân Hòa ngày càng đẹp và sáng hơn.

Từ đèn dầu đến 100% có điện sử dụng

Sau khi Bác Hồ qua đời (năm 1969), tình hình xã Tân Quới hết sức phức tạp với sự chiếm đóng của chính quyền Sài Gòn, chúng ra sức đàn áp nhằm hạn chế tinh thần yêu nước của nhân dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương…

Thực hiện lời Di chúc của Bác về “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, chi bộ xã đã dựa vào dân, lãnh đạo nhân dân để xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng, khi có thời cơ vùng lên, phối hợp với chiến trường chung giải phóng hoàn toàn xã nhà, mở ra kỷ nguyên mới- kỷ nguyên của hòa bình dân tộc đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Út- Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tân Quới- cho biết: Sau ngày giải phóng, tiếp tục thực hiện lời di nguyện của Bác về khôi phục đất nước và chăm lo đời sống nhân dân.

Bước đầu, chi bộ Đảng (lúc đó chỉ có 6 đảng viên) tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, vì thế chưa quan tâm đầu tư điện thắp sáng cho nhân dân. Đại đa số người dân chủ yếu sử dụng đèn dầu để sinh hoạt gia đình, chỉ một số ít người dân sử dụng điện từ máy đèn tư nhân.

Từ năm 1986, Đảng bộ xã Tân Quới thực hiện đổi mới trong lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, hoàn thành quy hoạch thị trấn Tân Quới, quy hoạch chi tiết, phục vụ cho xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

Điểm nổi bật là, tuyến QL54 được nâng cấp, sửa chữa, cầu Tân Quới được bắc kiên cố, đưa Tân Quới kết nối mạng lưới giao thông của huyện, tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa- xã hội phát triển.

Bằng các nguồn vốn (tỉnh, huyện, xã tài trợ và đóng góp của nhân dân), đến nay đã bê tông hóa 100% tuyến đường liên ấp và một số tuyến đường liên xóm.

Về điện, giai đoạn 1986- 2005, toàn xã có 12 trạm biến áp và 13,5km đường dây hạ thế do ngành điện lực trực tiếp quản lý và bán điện cho người dân; có 2.128 hộ có điện sử dụng, chiếm 98,56%. Đến nay, toàn xã có 100% hộ có điện sử dụng, đạt 100% chỉ tiêu
nghị quyết.

Điện thắp sáng khắp các tuyến chính

Trên tuyến đê bao chống lũ kết hợp giao thông nông thôn ở ấp Tân Hòa, nhiều hộ dân trồng hoa, cây cảnh làm hàng rào, cùng với đó là đèn đường được xây dọc theo tuyến đường.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Ngọc Hùng, căn nhà được làm hàng rào bằng hoa trang được cắt tỉa gọn gàng khá đẹp mắt.

Ông Hùng cho biết: “Tuyến đường đan này có từ năm 1997 nhưng đường rất thấp và cây cối um tùm, cảnh quan không được sáng sủa, mỗi khi lũ về là nước tràn vào vườn cây ăn trái, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất.

Khi Nhà nước đầu tư tuyến đê bao kết hợp chống lũ, người dân rất phấn khởi và tích cực hiến đất. Riêng gia đình tui hiến khoảng 200m2 với mong muốn có đường đi cao ráo, thuận tiện qua lại và bảo vệ hoa màu, vườn tược…”

Đến nay, điện thắp sáng đã kéo về hầu hết các tuyến đường chính của xã Tân Quới.
Đến nay, điện thắp sáng đã kéo về hầu hết các tuyến đường chính của xã Tân Quới.

Sau khi công trình hoàn thành, theo vận động của địa phương, ông Hùng cùng nhiều hộ dân khác bắt tay trồng hoa, cây kiểng để tạo cảnh quan đẹp hơn. Bên cạnh, địa phương còn hỗ trợ các cây hoa hoàng yến để trồng dọc theo con lộ, cứ đến mùa nắng là hoa nở vàng rực cả con đường.

Cách đây 3 năm, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hầu hết hộ dân ở ấp Tân Hòa đều nhiệt tình đóng góp 150.000 đ/hộ để cùng Nhà nước làm cột cờ kết hợp đèn chiếu sáng.

“Tới lễ, tết là anh em trong xã tự treo cờ nhìn đẹp lắm! Còn tiền điện thì mỗi tháng góp 10.000 đ/hộ”- ông Hùng cho biết.

Theo Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tân Quới: Ấp Tân Hòa đang được xây dựng mô hình ấp văn hóa tiêu biểu. Mô hình làm đèn thắp sáng thì đã được phát động từ nhiều năm nay và thực hiện “rầm rộ” nhất vào năm 2018.

Từ khi có hệ thống đèn chiếu sáng, làng quê của xã Tân Quới về đêm trở nên sáng rực. Việc đầu tư thắp sáng đường quê cũng góp phần đưa Tân Quới từng bước phát triển lên thị trấn trong tương lai.

Đến nay, 7/7 ấp đều có điện thắp sáng ở các tuyến chính và đang tiếp tục đầu tư ở các nhánh rẽ, mức đóng góp thường dao động 150.000- 200.000 đ/hộ.

Riêng tại ấp Tân Vinh chỉ 100.000 đ/hộ. Mức đóng góp tùy vào địa bàn dân số đông hay thưa. Bên cạnh nguồn kết dư của xã hỗ trợ, một số ấp còn vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, so với lúc mới giải phóng, xã Tân Quới đã có sự thay đổi rất nhiều. Nổi bật là đời sống người dân được nâng cao, nhà cửa sạch đẹp, khang trang hơn, điều kiện học hành tốt hơn, hầu hết đều được học trường chuẩn quốc gia từ cấp 1 đến cấp 3. Trước ngày giải phóng, người dân toàn sử dụng đèn dầu.

Sau giải phóng thì bắt đầu có máy dầu, đến nay thì đã được điện hóa 100%. Về phương tiện đi lại thì trước kia chỉ có đi bộ hoặc đi xe đạp nhưng giờ xe 4 bánh đã về tới tận nhà.

Đồng chí Trần Thanh Lâm- Bí thư Đảng ủy xã Tân Quới: Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, xã Tân Quới có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần, trình độ văn hóa của người dân được nâng lên, đến nay đã phổ cập THCS. Các công trình hạ tầng được quan tâm đầu tư, hộ nghèo được kéo giảm. Đầu năm 2012, Tân Quới được công nhận là đô thị loại V. Đến nay, xã đạt 8 tiêu chuẩn xây dựng thị trấn, 25/30 chỉ tiêu hệ thống công trình hạ tầng đô thị.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI