50 năm làm theo lời bác

Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần người dân Vĩnh Long

Cập nhật, 06:13, Thứ Bảy, 31/08/2019 (GMT+7)

Nhìn lại từng giai đoạn sẽ thấy rõ sự phát triển vượt bậc về mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt trong 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là ý chí quyết tâm chính trị, là tình cảm sâu sắc nhất mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Vĩnh Long đồng tâm hiệp lực vượt mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, xây dựng được một sự nghiệp đời sống văn hóa tinh thần to lớn như ngày nay.

Đó cũng là những giá trị văn hóa phát triển, định hình, dựa trên nền tảng của một gia tài văn hóa truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. Làm cho Vĩnh Long có được những điểm chung và tạo nên những nét riêng độc đáo của một vùng đất hội tụ những dòng chảy văn hóa đa dạng.

Cơ sở trường học xây dựng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Trường THPT Lưu Văn Liệt
Cơ sở trường học xây dựng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Trường THPT Lưu Văn Liệt

Sự “chọn lựa” của lịch sử

Lịch sử như đã “chọn” vùng đất Vĩnh Long để phó thác nhiều trọng trách trên những “khúc quanh” thăng trầm trong cả tiến trình phát triển chung của đất nước.

Và ngay từ trong buổi đầu hình thành vùng đất Nam Bộ, Vĩnh Long đã sớm hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm với vai trò “dẫn dắt” chung cho cả khu vực.

Vậy nên, dù mới trải qua gần 3 thế kỷ, nhưng so với khu vực thì Vĩnh Long có nền văn hóa đặc sắc riêng, rõ nét; là nơi cộng cư của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, nơi giao lưu văn hóa của khu vực và cả nước. Nhưng nổi bật nhất vẫn là sự kề vai sát cánh của 3 dân tộc anh em: Kinh- Khmer- Hoa.

Trong suốt tiến trình đó, ngoài những yếu tố văn hóa chung, mỗi dân tộc đều giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đặc thù của văn hóa truyền thống riêng. Cũng như sáng tạo nên nhiều loại hình văn hóa mới thích ứng với xã hội đương thời.

Đã có giai đoạn văn hóa dân gian được phát triển cực thịnh như nói tuồng, nói thơ, đờn ca tài tử. Đặc biệt, người Khmer đã sáng tạo nhiều hình thức ca vũ mới, từ điệu múa trống sa dăm, múa gáo dừa treo lack, múa chằn khum rông, từ điệu a day trữ tình prop kay cho đến hình thức sân khấu hoàn chỉnh như múa rô băm, kịch hát dù kê…

Cùng với đó, là những công trình văn hóa vật thể là những kiến trúc đền thờ, chùa, miếu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân còn bảo tồn cho đến ngày nay, như: Văn Thánh miếu, Công Thần miếu, Lăng Ông Thống chế điều bát, đình Long Thanh, chùa Tiên Châu, đình Tân Hoa,…

Đó là một phần trong tài sản văn hóa đặc sắc riêng để Vĩnh Long tự hào góp vào gia tài văn hóa chung của dân tộc.

Đặc biệt, những bản sắc, giá trị văn hóa đó được phát huy mạnh mẽ kể từ khi dân ta có Đảng, có Bác kính yêu, như ánh đuốc soi đường cho đất nước, dân tộc vượt qua những giai đoạn vô cùng khó khăn của lịch sử.

Từ niềm tin đó, từ tình cảm to lớn đối với Bác, cùng với cả nước 50 năm qua Vĩnh Long son sắt lời thề thực hiện Di chúc của Người giành được nhiều thành tựu lịch sử; trong đó, không ngừng giữ gìn vốn quý truyền thống và phát huy sáng tạo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần người dân không ngừng được nâng cao.

“Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”

Hạ tầng cơ sở văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng người dân. Sân thi đấu bóng đá đáp ứng các giải thể thao phong trào từ xã cho đến tỉnh. Trong ảnh: Giải vô địch bóng đá tỉnh Vĩnh Long năm 2019.
Hạ tầng cơ sở văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng người dân. Sân thi đấu bóng đá đáp ứng các giải thể thao phong trào từ xã cho đến tỉnh. Trong ảnh: Giải vô địch bóng đá tỉnh Vĩnh Long năm 2019.

Thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Đảng ban hành nhiều nghị quyết về văn hóa: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI)…

Theo đó, Vĩnh Long cụ thể hóa trong từng nghị quyết của tỉnh, ứng dụng sáng tạo vào tình hình, đặc thù của địa phương và phát động thực hiện thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ngoài ra, Vĩnh Long không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân phù hợp với thời đại mới.

Việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Phong trào “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” được tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện sâu rộng trong nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 847/847 ấp- khóm được triển khai đăng ký thực hiện cuộc vận động. Ban vận động các ấp- khóm luôn được củng cố, hàng năm đều có xây dựng kế hoạch hoạt động nên chất lượng các ấp- khóm văn hóa ngày càng được nâng cao.

Lời dạy của Bác trong Di chúc vẫn luôn là lời nhắc nhở đối với các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng.

Và thực hiện lời dạy đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng ở hầu khắp các vùng dân cư xa xôi nhất.

Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.

50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc của Bác và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử: giành độc lập và thống nhất đất nước; ổn định về chính trị, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đưa kinh tế phát triển liên tục với tốc độ khá cao, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất- văn hóa của nhân dân, có vị trí uy tín quốc tế ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Những kết quả quan trọng đó có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta, dân tộc ta, khẳng định chúng ta đang đi theo đúng con đường mà Bác đã lựa chọn.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, hưởng thụ văn hóa và rèn luyện thân thể của người dân. Tổng số đầu tư cho 2 lĩnh vực trên là 450 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh có Trung tâm Văn hóa tỉnh, 6 trung tâm văn hóa huyện, 42 nhà văn hóa xã và 11 nhà văn hóa ấp; có 7 sân vận động, mạng lưới cơ sở tập luyện thể dục, thể thao lên đến 1.120 cơ sở, tăng gấp đôi so với năm 1995.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG