Đưa ứng xử văn hóa thành thói quen

Cập nhật, 13:29, Thứ Tư, 24/04/2019 (GMT+7)

TP Vĩnh Long vừa có thêm 3 phường đạt chuẩn văn minh đô thị (VMĐT). Bên cạnh biểu dương kết quả mà các phường đạt được, lãnh đạo UBND thành phố lưu ý các phường cần tập trung để giữ vững và nâng chất lượng phường VM trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Chủ tịch UBND thành phố- cho rằng, ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa, VM. Khi ứng xử văn hóa đã trở thành nề nếp, thói quen thì bất cứ ở môi trường nào tính tự giác cũng được phát huy tốt nhất.

Lãnh đạo UBND TP Vĩnh Long trao bằng công nhận và khen thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng cho lãnh đạo UBND Phường 8.
Lãnh đạo UBND TP Vĩnh Long trao bằng công nhận và khen thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng cho lãnh đạo UBND Phường 8.

Nỗ lực đạt chuẩn VMĐT

Các phường vừa đón nhận danh hiệu “Phường VMĐT năm 2017- 2018” là Phường 2, Phường 8 và Phường 9, nâng tổng số 4/7 phường của thành phố đạt chuẩn. Theo quy định của UBND tỉnh, “khung” xây dựng phường VMĐT gồm 6 tiêu chuẩn và 27 nội dung.

Lãnh đạo UBND thành phố đánh giá, những năm qua, các phường đã thực hiện tốt việc quản lý kiến trúc, xây dựng ĐT theo quy hoạch (các phường đã được quy hoạch chi tiết ĐT và công bố rộng rãi cho người dân biết). Hầu hết các công trình công cộng được xây mới đúng quy hoạch, có kiến trúc hài hòa, đảm bảo tiêu chuẩn hiện hành.

Bên cạnh, các phường đã quan tâm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng… Đồng thời, đã nỗ lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, nhân dân các phường còn tích cực đóng góp tiền để xây dựng hệ thống chiếu sáng và nâng cấp các tuyến hẻm, vận động người dân thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường…

Có diện tích tự nhiên 4km2, Phường 8 hiện có hơn 15.038 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người của phường năm 2018 là 42,1 triệu đồng/người/năm…

Cũng trong năm 2018, vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng qua phường đã được cải tạo, nâng cấp với mức đầu tư 6,4 tỷ đồng; đường Nguyễn Văn Lâu (từ cầu Cảng đến cầu Vàm) với 2,4 tỷ đồng; đoạn đường Cà Dăm Tổ 6A gần 750 triệu đồng…

Qua đó, thúc đẩy bộ mặt của phường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND Phường 8- cho biết, đến nay, phường có 98,79% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa 5 năm liên tục trở lên, 100% khóm vận động được người dân tham gia bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng ĐT và đảm bảo vệ sinh môi trường…

Trong khi đó, Phường 9 là địa bàn có nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh và thành phố đặt trụ sở, xuất hiện nhiều công trình xây mới có kiến trúc hiện đại, giúp tạo thêm nhiều “điểm nhấn”.

Ông Nguyễn Văn Hoàng Mãnh- Chủ tịch UBND Phường 9- cho hay, vừa qua, phường được đầu tư xây mới: công viên kè Cổ Chiên, cầu Cồn Chim, hạ tầng Khu hành chính, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện Triều An- Loan Trâm…

Đến nay, Phường 9 có hơn 83% hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền; 4/5 khóm được công nhận “Khóm văn hóa” 6 năm liên tục. Mặt khác, tỷ lệ cây xanh công cộng, đất giao thông, chiếu sáng ĐT đạt tiêu chuẩn; thu gom rác đúng quy định…

Được bao bọc bởi các con sông, Phường 2 cũng có nhiều cơ quan, trường học và kinh tế chủ yếu là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2017- 2018, trên địa bàn đã hoàn thành chỉnh trang 7 công trình hành chính với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo UBND phường, mức sống của người dân ngày càng nâng cao; hầu hết nhà ở của người dân luôn được chỉnh trang, làm đẹp kiến trúc ĐT đạt 66,6%. Bên cạnh, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đạt chuẩn văn hóa…

Ông Nguyễn Minh Triều- Phó trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin TP Vĩnh Long cho biết, quá trình thực hiện đạt chuẩn VM cần phấn đấu nhiều và đạt được thì đã khó mà giữ vững càng khó hơn. Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng để người dân chung tay giữ vững danh hiệu.

Giữ vững và nâng chất phường VMĐT

Lãnh đạo UBND TP Vĩnh Long trao bằng công nhận và khen thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng cho lãnh đạo UBND Phường 9.
Lãnh đạo UBND TP Vĩnh Long trao bằng công nhận và khen thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng cho lãnh đạo UBND Phường 9.

Theo UBND TP Vĩnh Long, xây dựng phường đạt chuẩn VMĐT là một sự kế thừa và phát huy, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo điều kiện ở ĐT và phù hợp xu hướng ĐT hóa hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số bất cập như: một bộ phận người dân chưa nâng cao ý thức, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, dán quảng cáo tùy tiện gây mất mỹ quan vẫn còn diễn ra. Song song đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vẫn còn tồn tại một số trường hợp đáng quan tâm, cần xử lý dứt điểm…

Để giữ vững danh hiệu phường VMĐT và trở thành đơn vị kiểu mẫu về xây dựng đời sống văn hóa, ông Nguyễn Trung Kiên lưu ý: Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục; tăng cường thực thi pháp luật về trật tự ĐT; xây dựng văn hóa ĐT, công dân thân thiện; tạo điều kiện cho người dân thực hiện VMĐT và xây dựng phong trào quần chúng.

Ông cho rằng, để ĐTVM, công dân thân thiện, cần thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn. Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các hành vi vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và VM.

Khi ứng xử văn hóa đã trở thành nề nếp, thói quen thì bất cứ ở môi trường nào tính tự giác của người dân cũng được phát huy tốt nhất. Trong đó, có góp phần chỉnh trang, bảo đảm trật tự và mỹ quan ĐT.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long: Xây dựng VMĐT, công dân thân thiện phải từ các phong trào quần chúng như: xây dựng tuyến phố VM, hẻm VM, gia đình văn hóa, tổ tự quản văn hóa với việc đưa nếp sống VMĐT gắn vào các tiêu chuẩn bình xét, thực hiện nếp sống VM trong cưới hỏi, lễ hội và tang… Đây là quá trình thực hiện lâu dài, phải kiên trì, nhiều khó khăn nên phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp mới có chất lượng và hiệu quả.

Chú Nguyễn Văn Mẫn (Phường 9): Gia đình tôi có 15 thành viên thuộc 3 thế hệ. Sự chênh lệch về tuổi tác dẫn đến khác biệt về ứng xử trong chừng mực nào đó. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe, tiếp thu các chủ trương được phổ biến. Từ đó, tận dụng các buổi họp mặt, các bữa cơm gia đình… động viên nhau thực hiện đầy đủ các nội dung văn hóa, nếp sống VM từ gia đình ra cộng đồng.

Chú Trần Thanh Sơn (Phường 2): Tôi cho rằng quan niệm “mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người” là quá trình tương tác tích cực cho xã hội tốt đẹp. Nhiều năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vì phải lo cho các cháu ăn học nhưng chúng tôi đã tích cực đóng góp theo khả năng cho các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, phòng chống thiên tai, khuyến học… nhằm chia sẻ với cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU