Gần 120.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Cập nhật, 19:30, Thứ Năm, 21/02/2019 (GMT+7)

Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc (3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư) với tổng chiều dài 654km, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ngày 21/2, tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị “Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020".

Tại hội nghị, đại diện Bộ GT-VT cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo chủ trương, trước mắt, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc (3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư) với tổng chiều dài 654km, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, bao gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GT-VT, giai đoạn này sẽ có gần 5.000ha đất bị thu hồi, khoảng 3.700 hộ dân phải tái định cư. Đây là khối lượng không nhỏ, nếu không bắt tay làm ngay, rất dễ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Tính đến nay, Bộ GT-VT đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Về công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án dự kiến hoàn thành vào cuối quý I, đầu quý II năm 2019.

Về công tác thiết kế kỹ thuật, dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật một số phân khúc dự án như: Cao Bồ - Mai Sơn đi qua hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình sẽ hoàn thành trong tháng 4/2019; dự án Cam Lộ - La Sơn qua hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành trong tháng 5/2019 và các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8 và tháng 9/2019.

Riêng cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất đặc biệt nên thời gian thiết kế dài hơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2019.

Ngoài ra, Bộ GT-VT cũng đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật cho 11/11 dự án.

Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu khảo sát, thiết kế kỹ thuật, cắm cọc giải phóng mặt bằng, Bộ GT-VT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 11/11 dự án.

Với 3 dự án đầu tư công thuộc các đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã lựa chọn xong nhà thầu tư vấn.

Với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/8 dự án. Về cơ bản, các gói thầu/dự án đã được đánh giá xong đề xuất kỹ thuật, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 2/2019.

Về khung chính sách giải phóng mặt bằng - một vấn đề then chốt quyết định tiến độ dự án, đến thời điểm này đã có 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các Hội đồng giải phóng mặt bằng.

Riêng dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trên cơ sở kiện toàn lại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để thực hiện dự án theo đúng quy định.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, chưa bao giờ địa phương và Bộ GT-VT có mối liên hệ chặt chẽ như dự án lần này, dù là việc to hay nhỏ. Vì thế mà tỉnh Nghệ An đã sớm thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và cam kết sẽ hoàn thành chỉ tiêu mà Bộ GT-VT đề ra.

Còn ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh: "Chúng ta kế thừa kinh nghiệm và kết quả giải phóng mặt bằng nâng cấp, mở rộng QL1A thì không lo gì dự án lần này không thực hiện tốt. Dự án QL1A khó hơn rất nhiều, nhưng chúng ta tuyên truyền tốt, dân đồng thuận cao nên rất thành công. Lần này cũng vậy, chúng tôi sẽ quyết tâm bàn giao mặt bằng cho dự án sớm như dự án QL1A mà Quảng Trị đã làm”. 

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT, cho biết, sau khi dự án đã được các cấp chấp thuận, bộ đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án và đơn vị trực thuộc, sớm bàn giao mốc cọc giải phóng mặt bằng trong tháng 4-2019, sớm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để chuyển đến các Hội đồng giải phóng mặt bằng và cung cấp mã dự án cho các địa phương để mở tài khoản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại kho bạc các huyện.

Ngoài ra, cán bộ điều hành các dự án và giải phóng mặt bằng thường xuyên phối hợp với UBND các cấp, Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện, thị xã của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, để đến cuối năm nay sẽ giải phóng mặt bằng được 50% khối lượng.

Ông Nguyễn Văn Thể  - Bộ trưởng Bộ GT-VT trả lời báo chí bên lề hội nghị
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GT-VT trả lời báo chí bên lề hội nghị

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là hội nghị lớn, thể hiện quyết tâm cao của những người thực hiện dự án, sớm đưa dự án hoàn thành theo mục tiêu đã định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong chiến lược phát triển kinh tế nước ta, khẳng định phải nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển. Tuy nhiên, dù thời gian qua hệ thống giao thông đã có những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chất lượng công trình chưa cao khiến dân chưa hài lòng. Hệ thống giao thông nước ta thua hẳn các nước lân cận, có thể nói là thua nhiều lần nên cần phải quết tâm hơn nữa. Đến năm 2020, phải đưa vào khai thác 2.000km đường cao tốc và 10 năm tiếp sẽ cố gắng có thêm 3.000km cao tốc nữa.

Riêng đối với tuyến cao tốc Bắc – Nam, đây là tuyến có ý nghĩa nhiều mặt không chỉ về kinh tế mà còn xã hội, chính trị, văn hóa và cũng là thước đo của sự phát triển. Tuyến cao tốc này dài hơn 2.000km từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố và 4 trung tâm kinh tế trọng điểm, các khu dân cư, trung tâm văn hóa… do vậy nó là tuyến huyết mạch cực kỳ quan trọng.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không để xảy ra "điểm nóng" trong quá trình giải phóng mặt bằng, do vậy cần phải tuyên truyền tốt cho dân chúng thấu hiểu đây là dự án trọng điểm, rất quan trọng cho quốc gia và lợi ích nhân dân.

Ngoài ra, Chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này trước Chính phủ. Vì vậy, dự án cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tuyên truyền của báo chí là rất quan trọng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, các dự án sẽ được minh bạch, phải lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực và có tâm huyết; các hạng mục dự án sẽ được đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch. Các vướng mắc tại dự án, các bộ ngành và địa phương nhanh chóng trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung, đặc biệt là những vướng mặc trong giải phóng mặt bằng.

“Các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng rất quan tâm đến dự án, đặt ra nhiều vấn đề khiến Chính phủ rất lo lắng, áp lực. Nhưng hôm nay, chúng ta đã hoàn thành một khối lượng khổng lồ công việc của dự án, đó là nỗ lực lớn của tập thể Bộ GT-VT và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Nhật và các địa phương. Đây là cơ sở và tiền đề để chúng ta hiện thực các trọng trách của Đảng và nhân dân đã giao cho. Quyết tâm đưa dự án thông tuyến vào năm 2020 để làm bàn đạp cho các tuyến cao tốc tiếp theo”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhấn mạnh.

Theo VĂN NGỌC/SGGPO