Câu chuyện cuối tuần

Những câu chuyện sau tết...

Cập nhật, 08:37, Thứ Bảy, 23/02/2019 (GMT+7)

Tuần sau tết đã có ngay khá nhiều việc để làm, để quan tâm và suy ngẫm.

Chuyện từ trong nhà...

Dứt khoát bỏ mùa xuân lại sau lưng, câu chuyện ly hôn ngàn tỷ của đôi vợ chồng “vua cà phê” gần như tràn ngập trên các trang báo. Gần như ai cũng theo dõi vì gần như ai có đọc báo đều có… uống cà phê và ai cũng biết đến danh tiếng cà phê Trung Nguyên, với câu chuyện khởi nghiệp rất hay mà cũng lắm thăng trầm.

Nhưng hơn hết, có lẽ bởi câu chuyện gia đình bị chia cắt bởi tiền bạc và quyền lực, thật đáng tiếc và đáng buồn như câu thơ nào đó “cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?”... Trên các báo mạng, hàng trăm ý kiến bạn đọc chia sẻ với rất nhiều cung bậc cảm xúc, những ngày đầu năm, có lẽ ai cũng tự rút ra cho mình bài học về “tình và tiền” trong câu chuyện tương lai.

Ra ngoài đường phố...

Đây là lần đầu tiên mà người dân miền Tây, trong đó có Vĩnh Long thấy cảnh kẹt xe hàng buổi trời, kéo dài cả chục cây số. Lần đầu tiên, cho nên dân ven đường không ai biết phải làm sao. Mới đầu là ra cửa đứng xem, cảnh kẹt xe cũng… vui vui.

Kế đó là thấy sao kẹt xe lâu quá, thương mấy đứa nhỏ dang nắng vất vả. Nhiều người dân và doanh nghiệp đem tặng nước uống, thậm chí là mời vào nhà nghỉ chân, rửa mặt. Nhưng nghỉ ngơi sao được, vì kẹt xe không phải là đứng một chỗ mà thực chất là “nhích từ từ” nên người đi xe lúc nào cũng phải trong “tư thế sẵn sàng”.

Xe cộ phì khói đen, nối đuôi nhau dài dằng dặc, đã một lần nữa cho thấy tuyến QL1 đã thật sự “quá quá tải”. Trong đó, những cây cầu cũ kỹ, nhỏ hẹp trở thành điểm thắt cổ chai khiến xe càng ùn ứ. Nên mong sao cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sẽ thông xe vào đúng năm 2020, thêm động lực phát triển cho ĐBSCL và cả nước.

Trên những cánh đồng…

Câu chuyện lúa vào mùa sụt giá, thiếu người mua riết đã thành quen nhưng vẫn nóng hôi hổi. Bài toán về quy hoạch vùng lúa, giống lúa rồi 2 vụ hay 3 vụ vẫn còn ngổn ngang, chưa có câu trả lời.

Trong khi đó, lúa đang chờ ngoài đồng và tạm trữ vẫn là cách duy nhất... Có lẽ thật sự đã đến lúc không thể làm lúa theo kiểu “truyền thống” mãi nữa rồi- nghĩa là nông dân cứ làm lúa rồi chờ thương lái đến mua, mà phải làm lúa sạch, lúa ngon- bổ- khỏe và lúa có nơi tiêu thụ rõ ràng.

PHƯƠNG NAM