Thanh Bình thêu hoa trên áo mới

Cập nhật, 11:53, Thứ Năm, 13/12/2018 (GMT+7)

Năm 2015, Thanh Bình (Vũng Liêm) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Toàn xã cù lao này có trên 1.333ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi nhử thủy sản. 

Trong đó, riêng diện tích cây ăn trái lên đến 1.283ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi đúng hướng mà từ năm 2015 đến 2018 này, Thanh Bình đã nâng thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Mức thu nhập ấy đã tạo thuận lợi để xã NTM này như chiếc áo mới có thêm một bông hoa đẹp.

Năm 2015, khi được trên công nhận đạt chuẩn NTM thì tiêu chí số 10 (thu nhập) ở xã Thanh Bình chỉ mới đạt được bình quân 29 triệu đồng/người/năm- mức thu nhập vừa đủ đạt chuẩn NTM lúc bấy giờ. 

Vậy mà chỉ sau 3 năm khi trở lại cù lao này, người viết hết sức ấn tượng trước mức thu nhập bình quân tăng vọt ở nơi đây.

Trao đổi với đồng chí Điều Hữu Phước- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình, người viết được biết: Việc Thanh Bình được công nhận đạt chuẩn NTM đã tạo niềm tin mới từ cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị- xã hội và quần chúng nhân dân địa phương.

Từ đó, Thanh Bình quyết tâm làm thay da đổi thịt đi lên, bằng việc hàng năm chung sức chung lòng hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trong đó việc nâng cao theo tiêu chí số 10 luôn được Thanh Bình đặt ra là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hàng năm ở địa phương.

Từ định hướng ấy và nhất là từ thu nhập thực tế của một số vườn cây ăn trái trên địa bàn, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân Thanh Bình đã mạnh dạn đầu tư phát triển 2 cây trồng chủ lực: sầu riêng và bưởi da xanh.

Định hướng này của xã và được sự hỗ trợ cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các ngành chức năng đã góp phần tạo thêm sự tin tưởng của nông dân xã nhà.

Cũng nhờ đó mà diện tích vườn của xã cù lao này không ngừng được thay đổi. Đến nay, Thanh Bình có diện tích sầu riêng lên đến 389ha; trong đó đã có 335ha cho thu nhập và 655,7ha bưởi (phần lớn là bưởi da xanh) và đã có 417ha cho thu nhập.

Như vậy, nếu so với năm 2015 thì diện tích sầu riêng và bưởi da xanh cải tạo ở những vườn già cõi và trồng mới trên đất nông nghiệp kém hiệu quả khác lên đến 292ha. Bình quân mỗi năm Thanh Bình tăng diện tích sầu riêng và bưởi da xanh trên 90ha, cao gấp 4 lần so với trước năm 2015.

Anh Ba Kia- một nhà vườn chuyên canh sầu riêng ở ấp Lăng- cho biết: “Với giá cả như thời gian gần đây (70.000- 80.000 đ/kg) thì một công (1.000m2) sầu riêng ở đây nhà vườn cầm chắc lợi nhuận 200- 300 triệu đồng”.

Anh Ba Kia cũng cho biết thêm: Vụ sầu riêng năm 2018 vừa rồi, ở ấp Lăng này có rất nhiều hộ trồng sầu riêng thu về tiền tỷ.

“Có thực mới vực được đạo”- từ hiệu quả kinh tế mang lại của sầu riêng và bưởi da xanh, nhà vườn Thanh Bình bây giờ không chỉ quan tâm mở rộng diện tích mà còn rất chú ý đến sản xuất theo mô hình VietGap.

Bằng chứng là từ chỗ hợp tác xã sầu riêng trước đây ở ấp Lăng chỉ có 11 thành viên với diện tích hơn 10ha, hoạt động không mấy hiệu quả thì nay hợp tác xã có đến 30 thành viên, diện tích trồng sầu riêng của hợp tác xã đã lên đến 24ha.

Đáng mừng nữa là Thanh Bình cũng vừa mới thành lập thêm được Hợp tác xã Bưởi da xanh ấp Thanh Tân với 27 thành viên và diện tích đất sản xuất hơn 20ha.

Nói về chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở xã cù lao ngày hôm nay cũng nên nói thêm về chuyện chuyển đổi vật nuôi.

Trước hết về nuôi thủy sản, hiện xã cù lao này có 146ha nuôi nhử thủy sản; trong đó có 27,5ha chuyên nuôi thủy sản xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, nguồn lợi thủy sản đã mang về cho người dân cù lao này trên 70 tỷ đồng. Đàn bò và đàn heo cũng mang về hơn 20 tỷ đồng.

Với hiệu quả kinh tế mang lại từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đúng hướng, năm 2018, Thanh Bình nâng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn lên 360 triệu đồng/ha/năm.

Từ đó góp phần nâng tiêu chí số 10 ở xã NTM này lên 46 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2017 và tăng 3 triệu đồng so với kế hoạch năm.

Kinh tế phát triển, Thanh Bình có thêm 14 hộ xây dựng được nhà ở kiên cố; nâng số nhà đạt chuẩn Bộ Xây dựng ở địa phương lên 2.223 căn, chiếm 75,2% tổng số nhà ở trên địa bàn.

24 hộ thoát nghèo bền vững, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2,7% và hàng trăm hộ khác đầu tư kéo điện và kéo nước máy về sử dụng.

Tổng kinh phí mà người dân đầu tư cho các công trình này lên đến trên 10 tỷ đồng. Với kết quả ấy, diện mạo cù lao Thanh Bình hôm nay như chiếc áo mới được thêu thêm hoa đẹp.

Tôi rời Thanh Bình khi các sông rạch ở đây no đầy nước phù sa, như tiếp sức để cù lao này thêm xanh màu xanh no ấm.

Chắc rằng Thanh Bình sẽ đạt thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 như quyết tâm và nguyện vọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng quê ấy.

TRỌNG DÂN