Trốn thuế là tội hình sự

Cập nhật, 12:51, Thứ Sáu, 30/11/2018 (GMT+7)

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại về tội phạm liên quan đến lĩnh vực thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ và bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong năm 2018, Cục Thuế Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng.Ảnh minh họa: TRẦN PHƯỚC
Trong năm 2018, Cục Thuế Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng.Ảnh minh họa: TRẦN PHƯỚC

Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại đã được coi chủ thể của tội phạm hình sự.

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường và tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (33 tội danh quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định chi tiết tại các điều từ Điều 77 đến Điều 81 Bộ luật Hình sự năm 2015 (phạt tiền, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh, cắm hoạt động trong một số lĩnh vực, cắm huy động vốn). Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Quy định về tội phạm liên quan đến lĩnh vực thuế trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 200 được sửa đổi bổ sung tại Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về tội trốn thuế

Bộ luật Hình sự đã quy định chi tiết các hành vi cấu thành tội trốn thuế, tăng giá trị tài sản bị vi phạm chịu trách nhiệm hình sự, quy định cụ thể số tiền phạt, thay hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, nâng mức phạt tù thấp nhất lên 1 năm thay vì 6 tháng như Bộ luật Hình sự 1999:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng (trước đây, mức phạt tiền là 1- 5 lần số tiền trốn thuế) hoặc phạt tù từ 1- 3 năm (trước đây, mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm).

Có thể lựa chọn hình phạt tiền hay phạt tù, đồng thời nâng số tiền trốn thuế lên 1 tỷ đồng trở lên thay vì 500 triệu đồng như trước.

Phạm tội trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5- 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2- 7 năm…

Đồng thời, Bộ luật Hình sự lần đầu tiên đã quy định xử lý hình sự pháp nhân thương mại đối với tội phạm này. Theo đó hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế là bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) và hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn.

Quy định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Điều 203 Bộ luật Hình sự đã quy định chi tiết số chứng từ và số lợi thu bất chính đối với hành vi phạm tội này và bổ sung sự lựa chọn hình phạt tiền hoặc phạt tù.

Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Quy định hình phạt bổ sung: phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm. Đồng thời Bộ luật Hình sự lần đầu tiên đã quy định xử lý hình sự pháp nhân thương mại đối với tội phạm này.

Theo đó hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và các hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn.

Quy định tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Điều 204 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ giá trị tài sản bị thiệt hại, bãi bỏ hình phạt tù, nâng cao mức phạt cải tạo không giam giữ đồng thời quy định cho phép lựa chọn hình phạt tiền hoặc phạt tù.

Người nào có trách nhiệm bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ mà vi phạm quy định của Nhà nước về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hoặc cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (trước đây, mức phạt là 2 năm).

Quy định cho phép lựa chọn hình phạt tiền hoặc phạt tù, giảm nhẹ mức phạt tù đối với các trường hợp theo quy định.

NGUYỄN VĂN SOANG