Một loạt dự án nghìn tỷ chính thức nằm trong tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước năm 2019

Cập nhật, 15:30, Thứ Năm, 29/11/2018 (GMT+7)

Chiều 28/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo Quyết định này, KHKT năm 2019 của KTNN gồm 190 cuộc kiểm toán.

Một loạt dự án nghìn tỷ chính thức nằm trong tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước năm 2019
Dự án nhà máy Ethanol Bình Phước nằm trong 12 dự án nghìn tỷ gây thua lỗ của Bộ Công Thương, top 5 dự án “đắp chiếu” của PVN. Dự án được khởi công xây dựng năm 2010, chủ đầu tư là Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF).

Kiểm toán nhiều dự án lớn

Cụ thể, đối với lĩnh vực Ngân sách Nhà nước, KTNN sẽ thực hiện 59 cuộc kiểm toán, trong đó kiểm toán 14 Bộ, ngành và 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. KTNN cũng sẽ triển khai 12 chủ đề kiểm toán hoạt động.

Trong đó, 1 chủ đề kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện năm 2018 của 4 quận, huyện, thành phố; 10 chủ đề kiểm toán về các hoạt động, chương trình, dự án đầu tư sử dụng NSNN và 1 chủ đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, ngoài 1 dự án thuộc khối Quốc phòng, KTNN thực hiện kiểm toán 42 cuộc đối với các chương trình, dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận xã hội quan tâm như:

Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh...

Dự án Phát triển giao thông đô thị Thành phố Hải Phòng; Nhà máy thủy điện Sông Bung 2; Đường dây 500KV Vĩnh Tân- rẽ Sông Mây- Tân Uyên; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1; Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh- giai đoạn 2.

Dự án Đạm Ninh Bình nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, yếu kém, thua lỗ ngành công thương.
Dự án Đạm Ninh Bình nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, yếu kém, thua lỗ ngành công thương.

Liên quan đến lĩnh vực DN và tổ chức tài chính- ngân hàng, ngoài 3 DN thuộc khối Quốc phòng, an ninh, KTNN sẽ kiểm toán tại 27 đầu mối, gồm: Ngân hàng nhà nước, 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 4 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.

Cùng với đó, KTNN cũng đưa vào KHKT 12 đầu mối (9 đầu mối, đơn vị dự toán, 2 DN, 1 dự án đầu tư) thuộc lĩnh vực quốc phòng và 8 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng (gồm:

Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động; Bộ Tư lệnh cảnh vệ; Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; 29 công an tỉnh, thành phố; 4 bệnh viện thuộc Bộ công an; 9 DN thuộc Bộ Công an; Tổng cục dự trữ Quốc gia và 25 tỉnh ủy, thành ủy).

Kiểm toán theo chuyên đề

Riêng đối với lĩnh vực chuyên đề, trong năm 2019, KTNN thực hiện kiểm toán 30 chuyên đề, trong đó, tổ chức kiểm toán 04 cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn,

phạm vi rộng nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.

Đó là Chuyên đề: Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”;

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các bệnh viện công lập và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập; Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng.

Bên cạnh đó, KTNN lựa chọn kiểm toán các chương trình- dự án thuộc lĩnh vực an sinh- xã hội, phát triển kinh tế vùng và một số chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng đất,

tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; đánh giá hiệu quả quản lý vốn nhà nước, hiệu quả đầu tư trong các tập đoàn, tổng công ty, các quỹ đầu tư phát triển... nhằm đánh giá hiệu lực trong thực hiện các chương trình, dự án;

tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý và sử dụng kinh phí; đồng thời góp phần nâng cao năng lực của các KTNN chuyên ngành, khu vực và làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng thành các cuộc kiểm toán chuyên đề có phạm vi rộng trong các năm sau.

Theo LĐO