Vĩnh Long trong xu hướng xây dựng đô thị thông minh

Cập nhật, 05:45, Thứ Tư, 12/09/2018 (GMT+7)

Phát triển đô thị thông minh đang là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, một số đô thị đang thực hiện các kế hoạch cụ thể hướng tới xây dựng đô thị thông minh.

Các đô thị Vĩnh Long cần nghiên cứu, sớm đề xuất kế hoạch để có bước đi phù hợp, áp dụng xây dựng đô thị thông minh.

Lãnh đạo tỉnh, ngành cùng các đại biểu tham quan mô hình đô thị thông minh tại triển lãm trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin- truyền thông.
Lãnh đạo tỉnh, ngành cùng các đại biểu tham quan mô hình đô thị thông minh tại triển lãm trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin- truyền thông.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh.

Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị.

Đến năm 2025 thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh. Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, có khả năng lan tỏa.

Cụ thể, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng ĐBSCL, lấy TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, ngay từ tháng 4/2017, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành nghị quyết về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh.

Hiện thành phố đang soạn thảo Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016- 2025.

Theo ông Dương Thế Dũng- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông thành phố, Tổ trưởng Tổ soạn thảo, đã hoàn chỉnh nội dung đề án, dự kiến trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 9 này.

Theo đó, thành phố sẽ huy động các nguồn lực xã hội thực hiện xây dựng đô thị thông minh, rất ít dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước…

Giai đoạn 2018- 2020, thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung cho đô thị thông minh.

Theo đó, hình thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để tích hợp các dữ liệu hiện có; tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án đã có kế hoạch và nguồn lực…

Ngoài ra, triển khai ứng dụng My City (thành phố của tôi) trên nền tảng di động để truyền thông về xây dựng đô thị thông minh, tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân về dịch vụ đã và đang triển khai, để điều chỉnh, bổ sung kịp thời…

Bên cạnh xác định xây dựng đô thị thông minh là lĩnh vực mới, cần nghiên cứu thận trọng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, có lộ trình cụ thể, hiện thành phố rất quan tâm thứ tự ưu tiên đầu tư, huy động mọi nguồn lực để việc xây dựng đi vào thực chất, phát huy hiệu quả cao nhất.

Chủ trì cuộc họp về xây dựng TP Cần Thơ thành đô thị thông minh mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống lưu ý thứ tự ưu tiên hàng đầu có thể là chính quyền số, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh…

Trình bày tại hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam lần 22, tổ chức tại Vĩnh Long, ông Lê Quốc Hữu- Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel)- cho rằng,

để xây dựng đô thị thông minh, các tỉnh- thành cần xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông cho đô thị và xây dựng dần các kiến trúc chuyên ngành về ứng dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như trung tâm điều hành thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh…

Đến nay trong số 33 tỉnh- thành ở Việt Nam đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, Tập đoàn Viettel đã ký kết hợp tác chiến lược với 21 địa phương- đang từng bước xây dựng các kiến trúc tổng thể và kiến trúc chuyên ngành.

Trong đó, Viettel đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển về trung tâm điều hành thông minh thành phố (City Intelligent Operations Center).

Từ 2010 đến nay, việc xây dựng các trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh đang trở thành một xu hướng mà nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện. Viettel đã sớm triển khai thí điểm một số trung tâm điều hành cho các tỉnh- thành tại Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Hữu, Trung tâm Điều hành thông minh nhằm giúp các đô thị giám sát phát hiện, điều phối xử lý kịp thời các vấn đề về trật tự an toàn xã hội (vi phạm an toàn, ùn tắc, tai nạn giao thông; trộm cắp, cướp giật; ứng cứu khẩn cấp; tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai…);

phân tích, dự báo tình hình kinh tế- xã hội; quản lý thông tin truyền thông, báo chí; cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp,…

Theo ông Võ Văn Phước- Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- Truyền thông Vĩnh Long (Sở Thông tin- Truyền thông), đô thị thông minh áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để đưa vào công tác quản lý và phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội.

Đô thị thông minh “hành xử” thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống,

cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Được biết, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học liên quan đến việc xây dựng thành phố thông minh.

Đặc biệt, vừa qua Sở Khoa học- Công nghệ, Sở Thông tin- Truyền thông, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Trung tâm Kỹ thuật điện toán- ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề xây dựng thành phố thông minh và nâng cao năng lực tiếp cận công nghiệp 4.0 cho tỉnh Vĩnh Long.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời đã đánh giá cao buổi hội thảo này, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, qua đó tham mưu cho UBND tỉnh trong xây dựng đô thị thông minh, để các đô thị Vĩnh Long bắt kịp xu thế phát triển mạnh mẽ của đô thị cả nước.

Đô thị thông minh là hướng đi tất yếu, Vĩnh Long cần sớm thực hiện. Thiết nghĩ, trước tiên cần có đánh giá tổng thể, chọn ra phương án, bước đi phù hợp thế mạnh, thực tiễn địa phương.

Trong đó, công nghệ thông minh chỉ là một phần, nền tảng con người mới là quan trọng nhất. Phải chăng, ngay từ bây giờ, cần quan tâm tăng cường các chính sách “thu hút, đào tạo, bồi dưỡng” để gia tăng về “lượng và chất” cho đô thị thông minh.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN