Để phát triển BHYT bền vững

Cập nhật, 05:40, Thứ Sáu, 31/08/2018 (GMT+7)

BHXH, BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Theo BHXH tỉnh, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT là đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi của đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Theo BHXH tỉnh, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT là đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi của đơn vị sử dụng lao động và người lao động.

BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT để chăm sóc sức khỏe.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, đối tượng tham gia BHYT sắp xếp từ 25 đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng.

Cụ thể: nhóm 1- do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm 2- do tổ chức BHXH đóng; nhóm 3- do ngân sách nhà nước đóng; nhóm 4- do ngân sách nhà nước hỗ trợ và tự đóng; nhóm 5- tham gia theo hộ gia đình.

Có hiệu lực từ 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung thêm đối tượng được tổ chức BHXH đóng (người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất; người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản) và đối tượng được ngân sách nhà nước đóng (lực lượng vũ trang; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn).

Luật quy định mức đóng bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng; trong đó chủ sử dụng lao động 3%, người lao động 1,5%. Đồng thời, phạm vi quyền lợi người tham gia BHYT cũng được bổ sung.

 

Cụ thể: chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên (lực lượng vũ trang, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, nghèo, bảo trợ, thân nhân người có công) trong trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật;

điều trị lác (lé) cận thị và tật khúc xạ mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi; khám chữa bệnh (KCB) trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; KCB do tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra; KCB đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Mức hưởng được nâng lên cho người có BHYT: người nghèo, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội hưởng từ 95% lên thành 100%;

thân nhân người có công là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ hoặc con của liệt sĩ được hưởng từ 80% lên 100%; các thân nhân người có công khác được hưởng từ 80% lên 95%; người hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.

Cũng ở mức hưởng, quỹ BHYT thanh toán 100%: đối với người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo;

KCB ở y tế tuyến xã; trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (181.500 đồng thời điểm áp dụng); và khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (7.260.000đ).

Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, những năm qua trên cơ sở chỉ tiêu giao, công tác vận động, mở rộng đối tượng tham gia BHYT đã có hiệu quả tích cực.

Lao động ngoài nhà nước tăng bình quân 11,61%, hộ cận nghèo tham gia đạt 100% số phê duyệt; học sinh- sinh viên tăng 2,38%;

đặc biệt BHYT hộ gia đình tăng mạnh (40,29%, tăng 78.282 người). Đến 30/6/2018 có 825.559/1.050.241 đối tượng có BHYT, đạt 78,61% dân số toàn tỉnh, so cùng kỳ năm trước tăng 5,71%, tương ứng 63.650 đối tượng.

BHXH tỉnh Vĩnh Long đánh giá về cơ cấu đối tượng tham gia BHYT tổng thể đang phát triển tăng một cách bền vững mặc dù vẫn còn thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Về BHXH, tới hết nửa năm 2018, có 81.837 đối tượng tham gia, chiếm 15,7% lực lượng lao động, tăng 2,93% so với cùng kỳ; ước năm nay đạt 16% lực lượng lao động.

Chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, ngành liên quan.

Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách này ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua đó, nhận thức của các nhóm đối tượng tăng lên, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT trên toàn địa bàn.

Các điểm nhấn về cải cách thủ tục hành chính

- Rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ: cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định); trường hợp cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày (trường hợp thay đổi thông tin không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định).

- BHXH tỉnh đã triển khai giao dịch hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp điện tử qua mạng Internet đạt 100% tất cả đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn (2.145 đơn vị và cơ quan quản lý đối tượng, trong đó 1.850 đơn vị sử dụng lao động).

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN