TX Bình Minh

Dân kinh Hai Quý khẩn trương "chạy lở"

Cập nhật, 11:39, Thứ Năm, 10/05/2018 (GMT+7)

Sáng sớm 8/5/2018, sau âm thanh “rắc, rắc…”, sạt lở ập đến cuốn phăng mảng đất trước nhà, làm đứt đường đan, tới sát chân rào khiến 7 hộ dân ở kinh Hai Quý thuộc Khóm 1 (phường Thành Phước- TX Bình Minh) phải khẩn trương di dời để “chạy lở”. Đáng nói là khu vực này còn có nguy cơ lở tiếp.

Khu vực sạt lở đã được cấm biển báo nguy hiểm.
Khu vực sạt lở đã được cấm biển báo nguy hiểm.

Lở tới chân rào

Vụ sạt lở bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bờ tới 4- 6m. Ghi nhận tại hiện trường, sạt lở “ngoạm” mất một đoạn đường đan, tới sát tường rào nhà dân. Theo đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 7 hộ dân với 31 nhân khẩu. Rất may là không gây thiệt hại về người.

Sạt lở ngoạm sâu tới hàng rào nhà dân và có nguy cơ lở tiếp.
Sạt lở ngoạm sâu tới hàng rào nhà dân và có nguy cơ lở tiếp.

Là một trong những hộ có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp, chú Lâm Thái Thành cho biết: “Sáng nay, tui thức sớm uống cà phê, thấy mọi thứ vẫn còn bình thường.

Tới hơn 6 giờ thì nghe có tiếng kêu rắc rắc, rồi sụp cái ùm nguyên vạt đất xuống sông chỉ trong tích tắc. Lở hết đường đan, tới hàng rào, mái hiên trước nhà cũng đổ sập.

Chú Lâm cho biết thêm, trước đó có phát hiện vết nứt kiến bò, đã thấy lo và cuối cùng thì… lở thiệt. Nguyên nhân vụ sạt lở đang được ngành chức năng làm rõ.

Theo một số hộ dân sống ở khu vực này, kinh Hai Quý có nhiều ghe tàu chở hàng, xà lan chở cát, đá… lưu thông qua lại thường xuyên.

Ngay sau khi sạt lở, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT; ông Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh cùng lãnh đạo UBND, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thị xã đã trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục.

Nguy cơ lở tiếp

Ở gần đoạn bị lở, ông Nguyễn Văn Keo lo lở tấn công khi trước nhà xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài.
Ở gần đoạn bị lở, ông Nguyễn Văn Keo lo lở tấn công khi trước nhà xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài.

Theo ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND thị xã, khu vực này hàng năm đều có xảy ra sạt lở cục bộ chiều dài khoảng 15- 20m nhưng không nghiêm trọng như lần này. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, đã cắt giao thông qua đoạn này, cắm biển báo khu vực sạt lở nguy hiểm, cử lực lượng trực 24/24 giờ.

Đồng thời, khẩn trương đưa người dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, điều động lực lượng hỗ trợ người dân di dời, chỉ đạo phường bố trí địa điểm để các hộ ở tạm…

Ghi nhận của chúng tôi vào sáng 8/5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã và UBND phường Thành Phước đã sử dụng lực lượng “4 tại chỗ” khẩn trương hỗ trợ người dân di dời tài sản, vật dụng, tháo dỡ vật kiến trúc…

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã, khu vực vừa sạt lở khoảng 50m, ảnh hưởng 7 hộ nhưng khu vực có nguy cơ sạt lở dài tới 230m với 50 hộ.

Hiện các hộ dân sống quanh khu vực sạt lở rất lo lắng. Ở cách khu vực lở 6 căn nhà, chú Phạm Văn Keo rầu rầu: “Trước nhà tui xuất hiện 3 vết nứt kéo dài, có vết nứt bề ngang to hơn con kiến vàng nên… chắc sắp lở tới rồi, lo lắm!”

Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Triều Ca ở cách khu vực lở mười mấy căn nhà, “dù không xuất hiện vết nứt vẫn rất lo lở tới mình, vì sạt lở bất thình lình, có khi không có dấu hiệu báo trước”.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, điểm sạt lở này nằm trong danh sách khu vực theo dõi sạt lở của tỉnh.

Trước mắt, khẩn cấp di dời số hộ trong phạm vi ảnh hưởng sạt lở đến nơi an toàn; tháo dỡ vật kiến trúc để giảm tải sạt lở; đảm bảo các phương án an toàn giao thông…

Đồng thời, có các phương án hỗ trợ “nóng” và hỗ trợ lâu dài cho các hộ dân theo quy định. Ông Lưu Nhuận cho biết thêm, sẽ tham mưu UBND tỉnh công bố khu vực sạt lở nguy hiểm.

Đồng thời, lưu ý đoạn này có khả năng còn lở tiếp. Do đó, cần có các phương án chủ động phòng chống để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN