Sổ tay

Nâng tuổi hưu theo lộ trình, đối tượng

Cập nhật, 12:32, Thứ Năm, 17/05/2018 (GMT+7)

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, BCH Trung ương đã thông qua 3 nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong đó, BCH Trung ương đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề để tăng tính bền vững của chính sách.

Trước đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án: phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng;

phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng. Thời gian tăng bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

Quanh câu chuyện nâng tuổi hưu mà dư luận rất quan tâm, thiết nghĩ nên có một quy định thoáng và mở hơn để phù hợp. Xin bỏ qua mỗi băn khoăn kèm theo của một số người về việc đóng BHXH, chỉ nói riêng ở góc độ sức khỏe và tinh thần thôi.

Tôi năm nay gần 31 tuổi, vậy nếu tuổi hưu của nữ nâng lên 60 thì tôi còn làm việc gần 30 năm nữa. Với nghề nghiệp của mình, tôi không lường trước được là mình có thể đi công tác và viết lách ở cái tuổi 60 không? Cũng không thể đoán được tình trạng sức khỏe của mình khi qua tuổi 55!

Ở mỗi lĩnh vực ngành nghề khác nhau, các đối tượng có sự khác biệt rất lớn. Do đó, không nên có quy định cứng nhắc mà phải linh động theo từng ngành nghề và tình trạng sức khỏe của người lao động. Thử nghĩ khi một cơ thể đã quá mệt mỏi và tinh thần già nua thì làm việc có hiệu quả không?

Tôi đồng tình với đề xuất, đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm đối tượng là nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ… để tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn.

Riêng đối với những người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ không thực hiện tăng tuổi hoặc có các chính sách, quy định phù hợp.

CHI LINH