TX Bình Minh sẽ là đô thị cấp vùng

Cập nhật, 14:35, Thứ Tư, 04/04/2018 (GMT+7)

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TX Bình Minh đến năm 2035, thị xã sẽ trở thành đô thị (ĐT) cấp vùng, kết nối với trung tâm TP Cần Thơ tạo nên một điểm nhấn về không gian ĐT trong vùng ĐT trung tâm ĐBSCL. Đồng thời, là trung tâm công nghiệp, thương mại- dịch vụ, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL…

TX Bình Minh sẽ phát triển nhà ở theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe con người.
TX Bình Minh sẽ phát triển nhà ở theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe con người.

Khu vực ngã ba con rạch nhỏ Cái Vồn đổ ra vàm sông Hậu những năm đầu thế kỷ XVII là vùng đất đầm lầy hoang vu, dân cư thưa thớt, dần hình thành nên điểm họp chợ nhỏ, rồi trở thành điểm “dừng chân” giao thương mua bán của cả vùng Nam sông Hậu.

Đến năm 1957, quận Bình Minh mới chính thức được thành lập. Cuối năm 2012, Chính phủ ra Nghị quyết số 89/NQ-CP thành lập TX Bình Minh bao gồm toàn bộ diện tích của TX Bình Minh hiện hữu.

Theo ông Tăng Văn Lẫm- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Minh, ĐT xưa còn nhếch nhác, hạ tầng nghèo nàn. ĐT hiện tại phát triển hơn xưa hàng chục lần.

Tuy nhiên, về diện mạo, hạ tầng… còn cần đầu tư nhiều. Trong đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, lắp đầy khu công nghiệp hiện hữu, tập trung mời gọi khu- cụm công nghiệp mới… để giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Một góc chợ Cái Vồn nhộn nhịp giao thương.
Một góc chợ Cái Vồn nhộn nhịp giao thương.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã đến năm 2035, phạm vi điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã (3 phường và 5 xã), với tổng diện tích 9.363,29ha.

Theo đó, định hướng phát triển TX Bình Minh theo mô hình ĐT ven sông, cấu trúc ĐT tập trung với các trục xuyên tâm, hướng tâm và vành đai mở kết nối cảnh quan đặc trưng sông nước, vườn cây ăn trái.

Quy hoạch phân vùng phát triển không gian gồm: vùng xây dựng ĐT; công viên cây xanh cảnh quan; vùng nông nghiệp công nghệ cao và cây ăn trái bảo tồn; phát triển công nghiệp; sản xuất nông nghiệp và vùng dân cư nông thôn tập trung.

Trong đó, định hướng đến 2035, thị xã hình thành 3 khu ĐT, diện tích khoảng 2.471ha. Khu ĐT trung tâm truyền thống nằm ở phía Tây (gồm phường Thành Phước, phần lớn phường Cái Vồn và một phần phường Đông Thuận, xã Thuận An, Mỹ Hòa) phát triển hỗn hợp, trung tâm hành chính chính trị thị xã, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng ĐT, trung tâm văn hóa- thể dục thể thao cấp vùng.

Bên cạnh, Khu ĐT mới công nghiệp- thương mại Thuận An nằm phía Đông Bắc (gồm một phần phường Cái Vồn, phía Đông Bắc phường Đông Thuận, một phần xã Thuận An và Đông Bình) là khu ĐT mang tính chất công nghiệp và thương mại, đầu mối giao thông.

Trong khi đó, Khu ĐT mới dịch vụ- công nghiệp- kho vận Đông Thuận nằm phía Nam (gồm một phần phường Đông Thuận, một phần xã Mỹ Hòa, Đông Bình, Đông Thành)- là khu ĐT phát triển hỗn hợp, trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung tâm công nghiệp, kho vận, đầu mối giao thông cấp vùng.

Đến năm 2035, công nghiệp thị xã được định hướng phát triển mạnh (chú trọng vào các loại hình công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao) với khoảng 566,7ha đất công nghiệp được đầu tư và phát triển, gồm: Khu công nghiệp Bình Minh (135ha) cụm công nghiệp Thuận An (72,9ha), Khu công nghiệp Đông Bình (351,8ha), Nhà máy đóng hộp rau, củ, quả tại Đông Thuận (7ha).

Về hệ thống đầu mối hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ có đoạn đi qua thị xã (dài khoảng 7,6km) thì sẽ nâng cấp cảng đường sông hiện nay (tại Khu công nghiệp Bình Minh) thành cảng chuyên dụng; trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản hình thành trên cơ sở chuyển đổi chức năng bến phà cũ dọc theo sông Hậu.

Điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng vai trò thị xã là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy của tỉnh và vùng ĐBSCL. Trong ảnh: QL1 qua TX Bình Minh.
Điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng vai trò thị xã là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy của tỉnh và vùng ĐBSCL. Trong ảnh: QL1 qua TX Bình Minh.

Đồng thời, bố trí bến xe liên tỉnh tại cửa ngõ khu ĐT Thuận An. Hệ thống không gian mở kết nối với hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, nông nghiệp tạo thành một hệ thống kết nối và hướng dẫn sinh thái hoàn chỉnh.

Bên cạnh, đồ án còn định hướng quy hoạch sử dụng đất, thiết kế ĐT, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược, các chương trình dự án ưu tiên đầu tư, cơ chế chính sách và biện pháp huy động các nguồn vốn để phát triển ĐT…

Trong đó, ưu tiêu đầu tư về giao thông gồm: Đường huyện 50 (Thuận An- Rạch Sậy), đường Vành đai 1, Đường huyện 56 (Đông Thành- Đông Thạnh).

Về thương mại, du lịch gồm: xây dựng siêu thị Cái Vồn; kho trữ lạnh, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản. Về ĐT hóa, ưu tiên dự án tái định cư Đông Bình, Khu tái định cư và dân cư TX Bình Minh…

Theo ông Trần Hoài Hiệp- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh- Trưởng Ban Quản lý điều chỉnh quy hoạch chung TX Bình Minh đến năm 2035, mục tiêu của đồ án là phát triển thị xã thành ĐT xanh, hiện đại đảm bảo các tiêu chí của ĐT loại III vào năm 2020.

Bên cạnh, xây dựng định hướng phát triển không gian thị xã đến năm 2025 (tầm nhìn đến 2035) trở thành ĐT hạt nhân phía Nam của tỉnh, kết nối với trung tâm TP Cần Thơ; đầu mối giao thương về kinh tế và đầu mối giao thông vùng trung tâm ĐBSCL.

Đồng thời, thúc đẩy ĐT hóa, phát triển kinh tế bền vững, phát triển ĐT hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc ĐT sông nước, nâng cao chất lượng sống người dân.

Theo Thị ủy Bình Minh, thị xã muốn “đi nhanh” hơn nữa thì bên cạnh phát huy nội lực, rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của tỉnh trong thời gian tới.

Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đồng thời, cần sớm xử lý, thu hồi, giao lại cho các nhà đầu tư khác những dự án chậm, không thực hiện…

Đến năm 2025, dự kiến dân số thị xã là 120.000- 130.000 người. Trong đó, dân số ĐT là 75.000- 76.000 người, tỷ lệ ĐT hóa 50- 60%. Đến năm 2035, dự kiến dân số thị xã là 160.000- 170.000 người. Trong đó, dân số ĐT là 110.000- 120.000 người, tỷ lệ ĐT hóa 70- 75%.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN