Kiểng thế và làn gió mới- bonsai

Cập nhật, 13:59, Thứ Ba, 13/02/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến làn gió mới bonsai làm phong phú, thêm nét đẹp, thêm độc, lạ cho thú chơi cây cảnh truyền thống.

Chơi cây cảnh là một thú chơi làm đẹp cho đời, nó chẳng dành cho riêng ai, “mình thích thì mình chơi thôi”, biết chút đỉnh thì tự sửa, không biết thì cứ mua về sẽ có người đến tận sân nhà o bế cây theo như ý gia chủ.

Nhưng để bước vào sân chơi chuyên nghiệp thì quả thật nghề chơi không còn đơn giản, khi nghệ nhân phải lao tâm khổ tứ, mất ăn mất ngủ vì… cây. Thú chơi tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế không ngờ.

 

Gốc ổi Đình Toàn hồi mới mua về (ảnh trên) có mấy triệu bạc, giờ là tác phẩm bonsai có giá hàng trăm triệu đồng (ảnh dưới).
Gốc ổi Đình Toàn hồi mới mua về (ảnh trên) có mấy triệu bạc, giờ là tác phẩm bonsai có giá hàng trăm triệu đồng (ảnh dưới).

Từ hàng chợ

Cuộc chơi cây kiểng tạo nên sự giao lưu, trao đổi, mua bán diễn ra quanh năm; nhưng vui nhất, rầm rộ nhất chính là chợ hoa kiểng tết thường niên và đã trở thành nét đẹp văn hóa đậm phong vị kim- cổ giao duyên.

Tuy nhiên, đến với chợ này chủ yếu dành cho những loại kiểng có giá tầm trung đổ xuống, giá cả dễ chịu đáp ứng mọi nhu cầu, khi chỉ cần vài trăm ngàn đồng cũng có thể rước về nhà một cây mai đầy bông hoặc một gốc bonsai mini chơi tết.

Nghệ nhân Vũ Thành đang chăm sóc một gốc bonsai.
Nghệ nhân Vũ Thành đang chăm sóc một gốc bonsai.

Thỉnh thoảng, cũng có năm xuất hiện những hàng kiểng đại, kiểng độc, lạ giá hàng trăm triệu đến cả tỷ bạc, tuy nhiên, đây chỉ là những cuộc phô diễn mang tính chất giới thiệu, giao lưu là chính, còn thường những cuộc mua bán cây chục triệu đến bạc tỷ đã có sẵn đường dây, mối lái hoặc diễn ra tại nhà vườn.

Do đó, chợ kiểng tết rất dễ chịu về giá cả, ai thích gì lựa nấy miễn hợp túi tiền.

Dễ thấy nhất là dạng chơi mai vàng mùa tết tầm vài triệu bạc trở xuống, thường là loại mai ghép chơi cho vui mắt, cây không bền, giá trị nghệ thuật không cao.

Những năm gần đây, khi mua bán thuận lợi, mở ra nhiều kênh quảng bá, tiếp cận, thì những loại kiểng cao cấp cũng… ngại ra ngồi chợ tết.

Như góc bán bonsai dạng kha khá trước Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT qua nhiều năm của anh Nam, năm nay đã vắng bóng, thay vào đó chỉ là kiểng phôi các loại khế, chủ yếu của anh Vũ đến từ Tam Bình.

Còn những nghệ nhân quen thuộc của làng mai vàng Phước Định cũng ngày càng vắng bóng ở các buổi chợ xuân; đơn giản vì các gốc mai “cứng” đều đã được mối lái đặt hàng từ vài tháng trước, chỉ bán tại vườn thôi đã trống sân rồi.

Nhưng nói gì thì nói, mỗi cây kiểng góp mặt phiên chợ tết đều đẹp, nó đẹp từ công sức, tấm lòng của nghệ nhân tác tạo nên, không hẳn cây đắt tiền mới quý, hễ cây làm đẹp mắt, vui lòng người là xuân đến rồi.

Đến lối chơi bài bản

Cặp mai vàng đạt giải vàng tại cuộc thi, triển lãm sinh vật cảnh Xuân 2018.
Cặp mai vàng đạt giải vàng tại cuộc thi, triển lãm sinh vật cảnh Xuân 2018.

Nghệ nhân Lê Vũ Thành- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh, Chủ nhiệm CLB Bonsai TP Vĩnh Long- chia sẻ: “Mọi người hãy mạnh dạn bước vào sân chơi cây kiểng, bonsai, mạnh dạn tham gia các CLB để cùng giao lưu học hỏi, cái gì chưa biết rồi từ từ sẽ biết. Cái cần nhất, chính là có sự đam mê”.

Cuộc trò chuyện cùng nghệ nhân Vũ Thành, từ khuôn viên Bảo tàng tỉnh- nơi đang trưng bày những tác phẩm cuộc thi SVC- dẫn dắt về tới vườn kiểng, bonsai tại nhà, tôi như thêm mở rộng tầm mắt về sân chơi chuyên nghiệp này.

Nghệ nhân Vũ Thành cho rằng, những năm gần đây thú chơi cây kiểng, bonsai đang ngày càng xuất hiện đông đúc những người mới, những gương mặt trẻ có thế mạnh đặc biệt về bonsai và đang có vẻ lấn lướt lối chơi theo phong cách cổ xưa.

Trong số những gương mặt mới cũng có những người đã cao niên, những người về hưu bắt đầu có điều kiện, thời gian thỏa niềm đam mê của mình hằng ấp ủ bao năm.

Chúng tôi gặp anh Lê Tấn Kiệt tại triển lãm SVC, anh vui vẻ chia sẻ: “Mình cũng vừa bắt đầu chơi thật sự vài năm nay thôi; sau bao nhiêu năm lo cho các con ăn học, đâu có thời gian, điều kiện để thỏa mãn cái thú chơi này”.

Anh Kiệt nói thì khiêm tốn vậy thôi, cái cuộc chơi “vài năm” của anh mà tôi thấy là những tác phẩm khá “độc” tại cuộc trưng bày SVC của tỉnh.

Những tác phẩm anh Kiệt mang đến cuộc thi năm nay có đủ cả mai vàng, bonsai tiểu, bonsai trung… Đó là những gốc bonsai linh sam đến từ rừng miền Trung hoặc gốc hoàng dương theo thế bonsai mini độc nhất của anh Kiệt.

Tuy nhiên, anh cho biết không dễ tự nhiên tay ngang bước vào sân chơi chuyên nghiệp, làm gì, chơi gì cũng có bạn, có thầy dẫn dắt mới có kết quả.

Nổi đình đám về bonsai của tỉnh, ngoài những gương mặt quen thuộc, mọi người đều phải công nhận nghệ nhân trẻ Đình Toàn với độ thăng hoa về tài năng, nét chơi lẫn hiệu quả về kinh tế khủng.

Còn nhớ cách đây 6- 7 năm thôi, khi ghé thăm vườn kiểng của Đình Toàn lúc đó, số cây bonsai đếm chưa đầy ngón đôi bàn tay, nhưng thực sự bất ngờ lối chơi “tân kỳ” tiếp cận trường phái bonsai lũa của Nhật Bản.

Giờ đây, thì mỗi năm Đình Toàn xuất vườn đều đều không dưới tỷ bạc, với lối chơi không cần cây quý mà cần cây độc, lạ vẫn có thể tạo ra những tác phẩm đẳng cấp.

Nói có sách mách có chứng, gốc ổi mà Đình Toàn mua phôi về có mấy triệu bạc, chỉ sau 2 năm đầu tư giờ có giá trên 150 triệu đồng.

Đình Toàn “khoe nhỏ” với tôi, là anh âm thầm chuẩn bị mấy năm nay, để tết tới nữa sẽ “mang chuông” lên sân chơi Tao Đàn ở TP Hồ Chí Minh- nơi hội tụ đủ mặt “anh hào” trong cả nước- và thậm chí có ý tưởng vươn ra những sân chơi lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Đình Toàn có 2 đức tính đáng quý: khiêm tốn và không giấu nghề. Anh sẵn sàng chỉ dẫn, thậm chí chăm sóc, tạo thế cây dùm khi bạn cần.

Bonsai như làn gió mới làm tươi mát, phong phú thêm cho thú chơi cây cảnh, những lối chơi phá cách luôn mang đến sự bất ngờ thú vị cho giới thưởng lãm và những người yêu thú chơi tao nhã này.

Giới yêu nghệ thuật cây kiểng, bonsai vẫn luôn mong chờ những tác phẩm mới và những gương mặt mới, cho cuộc chơi càng thêm đông vui.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG