Sổ tay phóng viên

Bao tay đối phó

Cập nhật, 14:33, Thứ Sáu, 03/11/2017 (GMT+7)

Ngày càng nhiều người bán đeo bao tay (ni lon) khi bán thức ăn cho khách, nhằm đảm bảo thực phẩm sạch hơn cho người tiêu dùng (so với không mang bao tay).

Việc này thể hiện sự “văn minh, cải tiến hơn” trong khâu chăm sóc khách hàng của người bán, ngay cả ở những người mua bán nhỏ- khi mà nhu cầu thực phẩm sạch, vệ sinh, an toàn được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những người nghiêm túc “mang bao tay chỉ để lấy thức ăn”, không ít lần tôi thấy người bán đeo đúng một cái bao tay vừa để bốc thức ăn vừa làm “đủ thứ việc” khác như nhận tiền, thối tiền của khách, thỉnh thoảng lau bàn ghế... rồi lại lấy thức ăn bán tiếp.

Thiết nghĩ, cái mục đích ban đầu là mang bao tay để tạo sự an tâm về chuyện sạch, “vô trùng”, sau nhiều lần “quên” (cố ý hoặc vô tình) đã trở thành… đối phó.

Việc này, người bán rất cần nghiêm túc chấn chỉnh. Bởi lẽ, nhu cầu ăn uống sạch, an toàn của người tiêu dùng là có thật và là nhu cầu chính đáng. Họ hoàn toàn có thể lựa chọn nơi bán thức ăn mang đến sự an toàn, an tâm thực sự chớ không chỉ là giả tạo.

NAM ANH