Đồng tình quan điểm cho quân đội làm kinh tế

Cập nhật, 19:53, Thứ Ba, 14/11/2017 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Rón, đơn vị tỉnh vĩnh Long thống nhất quan điểm cho quân đội làm kinh tế.

Theo đại biểu Trần Văn Rón, thời gian qua vấn đề kết hợp chặt chẽ về kinh tế, văn hóa xã hội với quốc phòng và ngược lại đã được nhắc đến trong nhiều văn bản của Trung ương, gần đây đây nhất là trong văn kiện hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định lại việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng an ninh.

Trong đó chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế có chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Qua 10 năm thực hiện sự kết hợp này, kết quả giúp chúng ta có điều kiện để ổn định và phát triển đất nước.

Tuy vậy, qua thời gian thực hiện vẫn còn có những bất cập, ở các địa phương việc kết hợp giữa hai nhiệm vụ này một số nơi chưa được chặt chẽ và chú trọng. Do vậy, tôi đề nghị trong dự án luật cần quy định cụ thể để việc kết hợp này được chặt chẽ hơn tronmg thời gian tới. 

Đối với vấn đề quân đội làm kinh tế, tôi cho đây là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa chiến lược lâu dài và hoàn toàn đồng tình.

Quân đội tham gia xây dựng kinh tế là để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; tham gia phát triển kinh tế gắn với an ninh, thậm chí có những lúc chúng ta chấp nhận thua lỗ để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo tôi nghĩ, những vùng sâu, xa, vùng biên giới, vùng khó khăn thì các doanh nghiệp khác khó thực hiện nhưng quân đội thực hiện khá tốt- đây là hiệu quả được ghi nhận thời gian qua.

Thế nên, dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) cũng nên quy định rõ hơn việc quân đội làm kinh tế, hiện dự án luật chưa quy định rõ vấn đề này.

Qua đó, giúp chúng ta khẳng định rõ quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước hiện nay đang có chủ trương thực hiện. Và khi khẳng định được điều đó, giúp chúng ta nâng cao hiệu lực, hiệu quản quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp kinh tế được rõ nét hơn, giúp chúng ta phát huy tốt hơn hniệm vụ quan trọng này.  

* Cần có thêm quy định xử lý tin nhắn rác

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã đóng góp cho 2 dự án này.

Đóng góp cho dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Lưu Thành Công cho rằng, trước đây chúng ta thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, sau 10 năm thực hiện tình hình để lộ, lọt bí mật nhà nước khá nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau 10 năm có nhiều trường hợp lộ, lọt tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trong đó có 69 tài liệt tuyệt mật, 173 tài liệu tối mật, 1.084 tài liệu mật làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cho nên việc ban hành luật này là cần thiết. 

Đóng góp thêm cho dự án luật, trong phần giải thích từ ngữ chúng ta giải thích thông tin được lưu giữ ở nhiều dạng gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động nhưng trong dự thảo luật chỉ có quy định bảo vệ bí mật ở tài liệu và vật thôi, 3 đối tượng còn lại theo giải thích từ ngữ là địa điểm, lời nói, hoạt động và các dạng khác thì chưa có một quy định nào trong luật hết.

Quy định như thế theo tôi chưa bao quát hết các nội dung đã giái thích, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung này.

Trong quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ điều 30- 37 trong đó có quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, cơ quan tổ chức Trung ương và địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, UBND các cấp… rất dài và trùng với nhau.

Đề nghị cần gom lại một vấn đề là chỉ quy định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, trong đó chúng ta sẽ cụ thể hóa Chính phủ sẽ làm gì, các bộ ngành Trung ương làm gì. 

Ngoài ra, tôi thấy quy định trách nhiệm của cơ quan thì có, còn trách nhiệm của cá nhân trong việc trực tiếp bảo vệ và để lộ, lọt bí mật nhà nước thì chưa có quy định, đề nghị cần bổ sung thêm quy định này. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một chế định là khen thưởng và xử phạt đối với những cá nhân làm tốt hoặc để lộ, lọt bí mật nhà nước.

Đóng góp cho dự án Luật An ninh mạng, tôi thấy dự thảo luật quy định rất dài và có sự trùng lắp với nhau. Ở điều 8 với các hành vi cấm, tôi đề nghị cần có thêm quy định xử lý tin nhắn rác, hiện nay tình trạng này rất nhiều.

Tại điều 22 quy định xử lý thông tin trên không gian mạng, gây bạo loạn, phá rối thông tin, tuyên truyền chống nhà nước… tôi đề nghị bổ sung thêm tại khoản 4 điểm d ngoài xúc phạm dân tộc, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca… đề nghị bổ sung thêm một cụm từ nữa là xúc phạm cán bộ lãnh đạo quản lý, hiện đã có tình trạng nhắn tin xúc phạm cán bộ lãnh đạo rất nhiều.

Ở điều 39 về đạo tạo, phát triển nguồn nhân lực, an ninh mạng có quy định người làm công tác an ninh mạng trong cơ quan nhà nước được hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp, đề nghị cần làm rõ đãi ngộ phù hợp là như thế nào thì luật mới thông qua được, theo tôi biết hầu như khi làm bất cứ luật gì chúng ta đều có đề cập đến vấn đề đãi ngộ thì cũng không ổn.

Ở điều 40, quy định văn bằng, chứng chỉ về an ninh mạng, quy định cơ sở đào tạo trong phạm vi, quyền hạn của mình cấp chứng chỉ về an ninh mạng cần nghiên cứu lại vì nó không phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hiện nay, tất cả các văn bằng, chứng chỉ do mình đào tạo phải tuân thủ theo luật định, đó là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và văn bằng được cấp theo quy định này.   

TÂM THI (ghi)