Đề xuất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ theo tiểu vùng tại ĐBSCL

Cập nhật, 05:05, Thứ Năm, 07/09/2017 (GMT+7)

Tại hội thảo “Xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại vùng ĐBSCL” tại Cần Thơ mới đây, các chuyên gia từ Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đã báo động về những thách thức của BĐKH- đó là nguồn nước, dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong biến động bất thường; lũ xuất hiện sớm và gần 90% là lũ vừa và nhỏ, khả năng mất lũ rất lớn… tác động đến sản xuất tại ĐBSCL.

Lũ nhỏ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn, trong khi dấu hiệu mực nước biển dâng cao và trong tương lai nguồn nước khó dự báo trước tác động từ các công trình xây dựng thủy điện từ thượng lưu sông Mekong.

Theo GS,TS. Lê Quang Trí- Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ), ĐBSCL đang phải đối mặt với 6 nguy cơ gồm: BĐKH và nước biển dâng; phát triển thủy điện trên sông Mekong; gia tăng dân số và di dân; lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên;

thay đổi sử dụng đất; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Hiện nông dân cần một gói giải pháp để thích nghi theo từng điều kiện cụ thể, đề xuất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ theo tiểu vùng dựa trên bản đồ rủi ro thiên tai tại ĐBSCL.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) đã phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu, tìm giải pháp căn cơ, xây dựng bản đồ đánh giá về những tác động tiêu cực do BĐKH, nhằm giúp các địa phương có giải pháp ứng phó.

Qua đó, nhóm giải pháp cho thấy hiệu quả là bố trí lịch thời vụ né tránh những bất lợi do hạn, mặn xâm nhập.

Bên cạnh, giải pháp cần được quan tâm là trữ nước mưa trong hệ thống kinh rạch, đồng ruộng để phục vụ cho mùa khô; chuyển sang các loại cây trồng sử dụng ít nước, biện pháp phi công trình, vận hành hệ thống công trình hiện có để tích nước cho đồng ruộng.

NGUYỄN HOÀNG