Phân bón giả, kém chất lượng từ ngoài tỉnh tuồn vào

Cập nhật, 07:20, Chủ Nhật, 16/07/2017 (GMT+7)

 

Vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng được cử tri và đại biểu HĐND rất quan tâm tại kỳ họp.
Vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng được cử tri và đại biểu HĐND rất quan tâm tại kỳ họp.

Tiếp tục trả lời các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh và Sở Công thương đã giải trình về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) theo Dự án VLAP và tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

* Cử tri huyện Vũng Liêm, Trà Ôn kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ cấp GCN QSDĐ theo Dự án VLAP.

UBND tỉnh cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đăng ký cấp GCN theo dự án VLAP được 4.289 thửa, nâng tổng số thửa đã đăng ký lên 598.317 thửa đất, đạt 96,90% tổng thửa cần cấp. Trong 598.317 thửa đất đã đăng ký, có 591.464 thửa đất đăng ký thuộc diện cần cấp GCN.

Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã in thêm GCN QSDĐ cho các trường hợp đủ điều kiện được 38.196 thửa, nâng tổng số thửa đất đã in GCN lên 527.971 thửa đất, đạt 89,27% tổng thửa đăng ký cần cấp GCN.

Hiện nay, toàn tỉnh còn 70.346 thửa đất chưa đủ điều kiện cấp GCN, gồm 7.248 thửa đất đang phân loại hồ sơ, 7.945 thửa đất cần xác minh (về nguồn gốc, chủ sử dụng, diện tích lấn chiếm) và 55.153 thửa đất các địa phương đã phát thư mời dân đến bổ sung thủ tục.

Trong 55.153 thửa đất đã phát thư mời bổ sung thủ tục, chỉ có 31,74% số thửa được người dân đến bổ sung thủ tục (17.506 thửa), còn lại 68,26% (tương đương 37.647 thửa) người dân chưa đến bổ sung thủ tục (trong đó có 3.385 thửa đã mời 2 lần, 13.496 thửa đất đã mời 3 lần). Nguyên nhân chủ yếu là do GCN đang được thế chấp vay vốn tại các ngân hàng.

Trong 17.506 thửa đã bổ sung thủ tục, UBND cấp xã đang kiểm tra, xác nhận hồ sơ là 2.577 thửa, đã chuyển đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để thẩm định, in trình GCN là 14.929 thửa).

Nhìn chung, việc cấp đổi GCN trong 6 tháng qua đã có chuyển biến tích cực, UBND cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên- Môi trường chỉ đạo sát sao và cũng như có kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã nhằm hoàn thành việc in, cấp GCN đạt trên 90% vào cuối năm 2017.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên- Môi trường tập trung xử lý, thẩm định và in GCN dứt điểm các hồ sơ đã hoàn chỉnh, tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các xã hoàn thành việc mời dân đến bổ sung thủ tục và tăng cường công tác cấp phát, đổi GCN.

* Cử tri đề nghị tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh lưu hành hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vì hiện nay việc mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe của người tiêu dùng.

Trả lời vấn đề này, Sở Công thương cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Kết quả đã tiến hành kiểm tra 1.112 vụ (tăng 182 vụ); lập biên bản vi phạm 772 vụ, (chiếm 69,4% số vụ kiểm tra); đã xử lý 753 vụ (kể cả số vụ tồn của kỳ trước) và xử phạt với trên 5,56 tỷ đồng (tăng 8,3%).

Trong đó, đối với hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đã phát hiện và xử lý 43 vụ vi phạm, với các hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng giả không có công dụng sử dụng, chủ yếu là nhóm hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, giả mạo về chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, chủ yếu là nhóm hàng nón bảo hiểm, đồng hồ, phân bón, thực phẩm đóng gói sẵn…

Về phân bón, sở tiếp tục chủ trì 2 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, lấy mẫu phân bón vô cơ lưu thông trên thị trường để đánh giá chất lượng phân bón, đồng thời kiên quyết xử lý đối với các sản phẩm phân bón kém chất lượng.

Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 241 cơ sở kinh doanh phân bón, tiến hành lấy 224 mẫu ở 103 cơ sở kinh doanh để gửi kiểm nghiệm.

Tính đến nay, đã có kết quả 176 mẫu, trong đó có 25 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 14,2%, trong 25 mẫu này có 4 mẫu các chỉ tiêu chất lượng dưới 70% thuộc loại hàng giả về chất lượng.

Ngành đã xử lý vi phạm hành chính đối với 20 cửa hàng, đại lý có sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả với trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, sở đã tổ chức họp báo công bố công khai đối với 20 cửa hàng, đại lý vi phạm và 25 sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả do 20 công ty sản xuất.

Qua kết quả trên cho thấy, chất lượng phân bón đã được cải thiện hơn so với thời gian trước, nếu như năm 2016 tỷ lệ phân bón kém chất lượng trên 30% thì nay chỉ còn 14%.

Các sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả bị phát hiện đều do các doanh nghiệp ngoài tỉnh sản xuất và bán tại thị trường vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có đường ôtô đi tới và lượng hàng bán cũng rất ít nhằm đối phó với đoàn kiểm tra.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong tỉnh và các doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu qua lấy mẫu kiểm nghiệm đều đạt chất lượng cao.

Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát với việc tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Trong đó sẽ chấn chỉnh lại tình trạng niêm yết giá không đúng quy định, mang tính hình thức, đối phó, đồng thời tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm, sử dụng phương tiện test nhanh để kiểm tra về an toàn thực phẩm, nhất là vào dịp lễ, tết. Tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá đối với mặt hàng phân bón.

Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

THANH TÂM (ghi)