Đô thị, sao cứ mưa là ngập?

Cập nhật, 07:38, Thứ Tư, 17/05/2017 (GMT+7)

Mưa lớn ngập, mưa nhỏ cũng ngập. Hễ mưa thì ngập- là điệp khúc mà đô thị đang phải gánh chịu khi mùa mưa đến. Cống xuống cấp, đường thoát nước bị nghẹt, cửa thoát nước thì bị chặn bởi rác... nên cứ mưa là đô thị lại lỉnh bỉnh nước.

TP Vĩnh Long bao giờ mới hết điệp khúc: Mưa là ngập?
TP Vĩnh Long bao giờ mới hết điệp khúc: Mưa là ngập?

Điệp khúc: mưa là ngập

Nhiều người đô thị phải lắc đầu thở dài khi mùa mưa đến bởi phải chịu đựng cảnh trời mưa, đường ngập, xe chết máy. Mới đây, 2 cơn mưa lớn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ trưa 15 và 16/5/2017, khiến nhiều con đường ở nội ô TP Vĩnh Long ngập sâu.

Ghi nhận, tại nhiều tuyến đường như Phạm Thái Bường (Phường 4), Trưng Nữ Vương, Hoàng Thái Hiếu, Hưng Đạo Vương (Phường 1)... nước mưa ngập tràn lên vỉa hè, có nơi ngập hơn nửa bánh xe, khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn.

Ngập nặng nhất là đoạn từ đường Trưng Nữ Vương, một phần đường Phạm Thái Bường, nước mưa ngập hết lộ, nhiều xe máy đi vào làn dành cho ôtô, chạy lên cả vỉa hè. Một số hẻm sâu, nước ngập đến đầu gối, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại.

Nhà trên đoạn đường thường bị ngập nước mưa, chú Trương Văn Nhu (Phường 1) nói: “Năm nay mưa đến sớm hơn và có nhiều cơn mưa lớn hơn so với năm trước. Mưa lớn trong khi hệ thống thoát nước đã lạc hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh không đồng bộ với hệ thống thoát nước khiến đô thị bị ngập hoài, thấy mưa tới là ngán”.

Theo ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, nguyên nhân trung tâm thành phố hay ngập là do hiện trạng cốt cao độ mặt đường tại trung tâm thành phố không đồng nhất, có những nơi hình thành những vùng trũng thấp hơn đỉnh lũ, nước lũ chảy theo tuyến cống tràn vào các vùng trũng.

Không những vậy, hệ thống thoát nước được xây dựng qua nhiều giai đoạn, chắp vá do xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu thoát nước mưa chống ngập úng cho đô thị.

Ông Ngô Thành Thía cho hay: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay từ tháng 3, chúng tôi đã chuẩn bị công tác chống ngập.

Cụ thể, đã cho triển khai kiểm tra, sửa chữa, thay thế các van một chiều đã hư hỏng, nạo vét các cửa thoát nước, đồng thời dự kiến mua thêm máy bơm nước có công suất lớn 350 m3/giờ để rút thoát nước cho nhanh.

Khi đó, mưa sẽ phân công đội trực 24/24, tiến hành thu gom rác, nạo vét miệng thu nước. Tuy nhiên, do hệ thống cống xuống cấp quá nhiều, nên những năm gần đây thoát nước càng chậm.

Trong đó, tuyến đường ngập nghiêm trọng nhất là đường Trưng Nữ Vương, Hưng Đạo Vương. 2 đường này là tuyến đường huyết mạch của đô thị nhưng cống đã xuống cấp, chỉ nạo vét được hố ga, nên khi mưa dẫn đến ngập cục bộ.

Thêm vào đó, nhiều van một chiều nằm dưới phần sàn nhà dân nên khi muốn vận hành phải vào nhà dân, nên rất khó.

Bên cạnh, nhiều tuyến đường cống tuy có nâng cấp nhưng không kịp, thoát nước rất chậm. Nếu tình trạng ngập đường thường xuyên và kéo dài thì nỗi lo lớn nhất là đường sá sẽ bị hư, khi đó tốn kinh phí sửa chữa rất lớn.

Lo đối phó là chính

TP Vĩnh Long hiện có 37 van một chiều, 5 trạm bơm nước, trên 3.500 hố ga, hơn 9.000m rãnh thoát nước và trên 75.800m cống thoát nước.

Để thoát nước tốt trong mùa mưa công tác nạo vét được thực hiện thường xuyên, song việc thoát nước vẫn chưa đảm bảo bởi đây cũng chỉ là những biện pháp ứng phó tạm thời.

Công tác quét dọn hố ga được thực hiện thường xuyên để đảm bảo nước thoát.
Công tác quét dọn hố ga được thực hiện thường xuyên để đảm bảo nước thoát.

Ông Ngô Thành Thía cho hay: Hiện nay cái khó khi thoát nước trong mùa mưa là hệ thống cống cũ kỹ, lạc hậu và rồi rác của các hộ dân thải xuống miệng thu nước. Thêm vào đó, nhiều hộ dân còn lấn chiếm kinh, rạch, khiến nước không có lối thoát.

Công ty đã nhiều lần kiến nghị với thành phố khảo sát để xử lý các hộ lấn chiếm đất công, trên miệng cống nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Do đó, về lâu dài, cần có biện pháp căn cơ hơn. Hiện tỉnh đang xúc tiến tìm nguồn vốn bên ngoài để nâng cấp và xử lý hệ thống thoát nước đô thị. Theo đó, hiện tỉnh cũng đang chờ chấp thuận triển khai đề án thoát nước, kết hợp thu gom xử lý nước thải trước khi đưa ra sông.

Rác sinh hoạt do người dân để chặn bít cửa hố ga thoát nước. Khi có mưa, nước biết chảy đường nào?
Rác sinh hoạt do người dân để chặn bít cửa hố ga thoát nước. Khi có mưa, nước biết chảy đường nào?

Đồng thời, công ty kiến nghị đến chính quyền địa phương các phường, mong các phường mạnh tay xử lý tình trạng lấn chiếm để góp phần giúp thoát nước ở đô thị ra sông rạch dễ dàng hơn, hạn chế ngập úng ở đô thị.

Có thể thấy, dù hệ thống thoát nước đã được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thường xuyên, song, việc ngăn ngừa ngập do mưa hay triều cường dâng vẫn chưa có phương án giải quyết phù hợp, hiện trạng ngập ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, trong khi trông chờ vào các giải pháp chống ngập dài hơi, người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong công tác chống ngập ở đô thị: không để rác bừa bãi dưới hố thoát nước, không lấn chiếm kinh, rạch, tạo dòng thoát cho nước khi có mưa, triều cường.

Việc nhỏ nhưng chính từ sự ý thức này đã góp phần nhiều cho việc chống ngập, để hạn chế dần tình trạng than thở: Sao đô thị mưa là ngập hoài?

 

 

Ông Ngô Thành Thía-Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long

 

Các biện pháp chống ngập ở đô thị hiện nay chỉ mang tính chất đối phó. Nếu về lâu dài thì cần nguồn vốn rất lớn, tỉnh khó đầu tư nổi, rất cần sự hỗ trợ. Và bên cạnh việc chờ tác động ngoại lực đến hỗ trợ chống ngập, cũng cần có những biện pháp cấp bách để cứu đô thị, như nên xem xét, thực hiện kết hợp với các biện pháp công trình khác như xây dựng bờ kè, cống chống ngập, nạo vét kinh, rạch...

Bài, ảnh: THẢO LY