Vĩnh Long 25 năm dựng xây và phát triển

Cập nhật, 05:23, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long có nhiều thay đổi, đời sống của người dân nâng lên cả về vật chất lẫn văn hóa, tinh thần. Cảm nhận chung của cán bộ, công chức và người dân về những thành tựu của tỉnh nhà mà chúng tôi đã ghi nhận được, đó là niềm vui và sự tin tưởng.

Ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long: Cần quan tâm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Hồ Minh Mẫn.
Ông Hồ Minh Mẫn.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội.

Cụ thể, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được chú trọng đầu tư xây dựng; mạng lưới giao thông đường bộ phát triển đồng bộ và cơ bản hoàn thành đan hóa, đá hóa đường liên ấp, liên xóm; các địa phương đều có đường ôtô đến trung tâm xã, các ấp đều có đường dân sinh đảm bảo xe máy đi lại thuận tiện cả 2 mùa mưa nắng, góp phần phục vụ nhu cầu vận tải, đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế- xã hội.

Điểm nổi bật qua 25 năm là tỉnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho diện mạo nông thôn tỉnh nhà có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh mẽ...

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, để xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển hơn, thời gian tới, tỉnh cần phải quan tâm một số vấn đề.

Trong nông nghiệp, phải điều tra nắm tình hình thổ nhưỡng, khí tượng thủy văn để định hình từng vùng chuyên canh nông nghiệp và xác định trồng cây, con giống phù hợp.

Đặc biệt, cần chú trọng phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, quan tâm nâng cao sản lượng nông nghiệp cần phải đi đôi với chất lượng nông sản phải sạch, an toàn; phải hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cần quan tâm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt các chế độ, chính sách thu hút nhân tài nhằm hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.

Bên cạnh, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đặng Huỳnh Mai: Dạy chữ và dạy người phải đi đôi

Bà Đặng Huỳnh Mai.
Bà Đặng Huỳnh Mai.

Sau khi tách tỉnh cái khó nhất của ngành giáo dục vẫn là thiếu giáo viên, đội hình giáo viên không đồng bộ, đào tạo không theo yêu cầu phát triển, bên cạnh đó còn rất nhiều phòng học tre lá…

Sau 25 năm, những khó khăn này được giải quyết, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều.

Những thành tựu đáng ghi nhận là năm 1997, tỉnh Vĩnh Long đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2005, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2016, được công nhận phổ cập giáo dục mầm non, đội ngũ giáo viên tăng về số lượng và chất lượng...

Tuy nhiên, để nền giáo dục tỉnh nhà theo kịp với các nước trên thế giới thì phải đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là đội ngũ nhà giáo; trong chỉ đạo của ngành cần tạo điều kiện cho giáo viên vào cuộc, rất nhiều tư liệu phong phú để giáo viên tham gia.

Quá trình dạy chữ và dạy người phải được lồng ghép, môn nào cũng có thể được giáo dục đạo đức, quan tâm truyền tải được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, cách ứng xử giữa người với người.

Phải đầu tư hơn nữa về thiết bị và công nghệ thông tin, phối hợp giữa công nghệ thông tin với thực hành từ thực tiễn.

Cần có những trường chất lượng như quốc tế để có những cách học, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sống, cách ứng xử giữa người với người, phát huy được chính năng lực của học sinh và học phí vừa tầm. Ngoài ra, giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đào tạo chuyên sâu ở một nghề nhất định theo kiểu giáo dục cộng đồng theo nhu cầu của cộng đồng.

Còn về ĐH, mong muốn cải tiến không quá chú trọng đầu vào mà phải chú trọng quản lý trong suốt quá trình học và đầu ra.

Một vấn đề nữa là để giải quyết đầu ra cho sinh viên ở các trường tư thục, CĐ phải thay đổi nhận thức và thay đổi nhu cầu về sử dụng lao động bằng chính năng lực chứ không phải qua bằng cấp thì chất lượng mới thay đổi.

Đại đức Thích Tánh Bình- Chánh Thư ký kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long: Cần khai thác về du lịch tâm linh

Theo góc nhìn của chúng tôi, sau 25 năm, cơ sở hạ tầng tỉnh nhà đã có nhiều thay đổi. Trong đó, cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ đã nối liền Vĩnh Long với các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi về địa lý, kéo theo đó là sự phát triển về kinh tế do giao thông thuận lợi- các tỉnh miền Tây qua địa phận Vĩnh Long không còn phải chờ đợi phà. 

Kế đó là sự hình thành và phát triển của các cụm- tuyến công nghiệp đã giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh và khu vực, giúp cho đời sống nhân dân ấm no hơn.

Với góc độ của tôn giáo nói chung hay Phật giáo nói riêng, chúng tôi nhìn nhận nhu cầu về tinh thần, về văn hóa đang ngày càng được trú trọng. Nếu đầu tư khai thác về du lịch tâm linh với cơ sở hạ tầng rộng lớn và cảnh quan đẹp sẽ thu hút du khách đến tham quan, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn.

Ông Nguyễn Tấn Đức- xã Quới Thiện (Vũng Liêm): Quan tâm giá cả đầu ra cho cây ăn trái nhằm đảm bảo cho nông dân sản xuất có lời

Ông Nguyễn Tấn Đức.
Ông Nguyễn Tấn Đức.

Trước đây, đời sống người dân cù lao Dài còn nhiều khó khăn do bị ngập lụt, đường sá cách trở (toàn xã có 400- 500 cây cầu khỉ), muốn đi đâu cũng phải lội bộ, con em đi lại học hành gặp khó đủ điều...

Qua 25 năm tái lập tỉnh, đời sống người dân ngày càng phát triển, toàn xã đã có điện sử dụng, có trường học đạt chuẩn… tạo điều kiện cho người dân mở rộng cơ sở làm ăn, nghe đài nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, con em học hành cũng thuận lợi hơn.

Thời gian tới, tôi mong các cấp lãnh đạo thường xuyên quan tâm, chỉ đạo giúp cho xã có nước sạch sử dụng; xây trường cấp 3 cho con em đi học; đồng thời tăng cường nâng cấp, gia cố bờ bao, chủ động ứng phó xâm nhập mặn và quan tâm giá cả đầu ra cho cây ăn trái nhằm đảm bảo cho nông dân sản xuất có lời.

Chị Nguyễn Huỳnh Thu- Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long: Tuổi trẻ sẽ đi đầu trong khởi nghiệp, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp

Chị Nguyễn Huỳnh Thu.
Chị Nguyễn Huỳnh Thu.

Thế hệ trẻ hôm nay may mắn được sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, được học tập, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường hòa bình, được quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần.

25 năm qua, phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, tuổi trẻ Vĩnh Long đã triển khai được phong phú hoạt động, phong trào mang dấu ấn.

Nhiều chương trình lớn được khởi nguồn từ hoạt động cơ sở, nhiều công trình, phần việc thanh niên xuất phát từ yêu cầu cuộc sống, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc như các hoạt động tình nguyện, tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới… góp phần tạo môi trường lành mạnh cho thanh niên học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến, trưởng thành.

Tự hào về những thành tựu mà tuổi trẻ Vĩnh Long đã cống hiến cho tỉnh nhà trong 25 năm qua, tuổi trẻ hôm nay càng nhận thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Thời gian tới, tuổi trẻ toàn tỉnh sẽ ra sức phấn đấu, rèn luyện, thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trau dồi đạo đức cách mạng với “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”; luôn thể hiện nhiệt huyết “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, nhiệt tình, gương mẫu, hăng hái trong các phong trào cách mạng, đi đầu trong khởi nghiệp, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp.

Bên cạnh đó, luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, bản lĩnh, tự tin, sáng tạo tham gia phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh; chung sức trẻ tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị.

Anh Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Đồng bào Khmer đã có ý thức cao hơn trong việc phấn đấu làm ăn để vươn lên vượt khó thoát nghèo

Anh Thạch Dương.
Anh Thạch Dương.

Qua 25 năm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer đã thay đổi hầu như toàn diện. Còn nhớ, lúc trước đời sống của đồng bào Khmer gặp rất nhiều khó khăn ở nhiều mặt, đường sá đi lại khó khăn, trường học thiếu và xuống cấp, thanh niên Khmer lúc đó phần lớn chỉ tham gia tu học ở chùa và đi làm thuê, hộ nghèo còn nhiều…

Vào khoảng năm 1997, khi thực hiện chương trình 135 trong giai đoạn I (1997- 2006) giúp cho đời sống đồng bào Khmer cải thiện hơn.

Tiếp theo những năm sau đó, khi có nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc Khmer được ban hành đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer, tạo điều kiện cho đồng bào hưởng thụ văn hóa, đi lại, phát triển dịch vụ, được chăm sóc sức khỏe cộng đồng, con em đồng bào dân tộc Khmer đến tuổi đi học thuận tiện hơn so với trước.

Theo thống kê, hiện nay tổng số học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt tỷ lệ 98%. Ngoài việc học Tiếng Việt, số học sinh tiểu học người Khmer trong tỉnh cũng được tổ chức học chữ Khmer; trong vùng dân tộc hiện có 11/11 Trạm y tế các xã có đông đồng bào Khmer tập trung sinh sống, đều đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ, y sĩ và trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc khám, điều trị bệnh.

Việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn có đông đồng bào Khmer tập trung sinh sống.

Giờ đây, đồng bào Khmer đã có ý thức cao hơn trong việc phấn đấu làm ăn để vươn lên vượt khó thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)