Giao thông đi trước- mở đường cho phát triển

Cập nhật, 14:48, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Với xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, sau 25 năm, Vĩnh Long đã trở mình thành một tỉnh có nền nông nghiệp hoàn chỉnh, công nghiệp- thương mại và dịch vụ phát triển.

Đó là một hành trình của những chuyển động đột phá, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ, trong đó hệ thống giao thông góp phần rất quan trọng và cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Theo ông Trần Quốc Hợp- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hạ tầng giao thông của tỉnh Vĩnh Long khi tách tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh (năm 1992) chỉ có 25/94 xã có đường ôtô đến trung tâm xã, 252km đường ôtô, tỷ lệ xóa cầu khỉ chỉ đạt khoảng 10%.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ít được đầu tư nên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân chủ yếu bằng phương tiện thủy, rất nhiều khó khăn...

Xẻ dọc… vùng sâu

Là một trong những người từng “lên bờ xuống ruộng”, “có mặt trên từng cây số” gắn với giai đoạn sôi động và quyết liệt nhất của tỉnh Vĩnh Long xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, ông Tăng Văn Lẫm- nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải- cho rằng trong từng giai đoạn phát triển Vĩnh Long luôn xác định giao thông là động lực phát triển kinh tế- xã hội và luôn đi trước một bước trong quá trình phát triển.

Cầu sắt Chú Bèn trên QL54 đoạn xã Thành Lợi- Tân Quới (huyện Bình Minh cũ) xuống cấp nghiêm trọng đã được thay thế bằng cầu bê tông vững chắc. Ảnh: K.H
Cầu sắt Chú Bèn trên QL54 đoạn xã Thành Lợi- Tân Quới (huyện Bình Minh cũ) xuống cấp nghiêm trọng đã được thay thế bằng cầu bê tông vững chắc. Ảnh: K.H

Theo ông Tăng Văn Lẫm, mặc dù sau khi tách tỉnh nguồn lực hạn chế, nhưng ngân sách của tỉnh cơ cấu nguồn vốn phát triển giao thông hàng năm luôn cao hơn nhiều lĩnh vực khác, bên cạnh còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Ngân hàng thế giới.

Đặc biệt, tỉnh đã huy động được sức dân trong phát triển hệ thống giao thông nông thôn kết hợp thủy lợi nội đồng và từng được Trung ương tặng cờ thi đua xuất sắc về thành tích xây dựng giao thông.

Trong ký ức của ông Tăng Văn Lẫm vẫn còn nhớ từng quốc lộ, tỉnh lộ “phải dặm ổ gà mới đi được”, đến những con đường “chưa có gì, đi không nổi”…

Nhưng với sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và sự góp công góp của của người dân, “Vĩnh Long đã xóa hàng chục ngàn cây cầu khỉ, đường đi tới đâu người dân sẵn sàng dỡ nhà hiến đất làm đường”- ông Tăng Văn Lẫm cho rằng đó là một thắng lợi rất lớn.

Chẳng hạn tại vùng căn cứ cách mạng Cái Ngang (Tam Bình), những tuyến đường trước kia nhỏ hẹp, lầy lội, giờ đây đã được thông thương thành những tuyến giao thông huyết mạch, nối ấp liền ấp, xã liền xã.

Cầu Mỹ Thuận 2 thuộc ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh- Long Hồ năm 2003. Ảnh: THANH BÌNH
Cầu Mỹ Thuận 2 thuộc ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh- Long Hồ năm 2003. Ảnh: THANH BÌNH

Từ Đường tỉnh 909 nối thị trấn Long Hồ xuyên qua Tân Lộc, Hậu Lộc, rồi Mỹ Lộc thẳng đến Song Phú ra QL1, tuyến đường Cái Ngang- Bầu Gốc, tuyến Bầu Gốc- Phú Lộc...

Tất cả đã tạo cho Cái Ngang một vị thế trung tâm phát triển nhất định. Ông Lê Văn Chiến- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình)- cho biết cụm Cái Ngang là khu căn cứ cách mạng của 4 xã Phú Lộc, Tân Lộc, Hậu Lộc và Mỹ Lộc.

Hệ thống giao thông nông thôn cải thiện đã góp phần đưa kinh tế- xã hội phát triển mạnh mẽ. Nói như lão nông tri điền Nguyễn Văn Ba (Ba Rè, ở Ấp 11, xã Mỹ Lộc): “Bây giờ đường nào cũng về Cái Ngang được. Mà muốn đi Tam Bình, Long Hồ, Vĩnh Long, Cần Thơ... đều được hết.

Hồi đó, đường lầy lội, toàn cầu khỉ, làm gì có cầu Rạch Ranh, Cả Lá. Giờ lộ đá, xe 2 bánh đi ngon lành mưa nắng, rồi lộ nhựa xuyên qua ruộng đồng, xe 4 bánh lăn bánh tới trước cửa nhà”.

Trong khi đó, người dân vùng “rốn lũ” các xã Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân An Thạnh (Bình Tân)… hồ hởi khi Đường tỉnh 908 sắp nghiệm thu.

Ông Ngô Tấn Lợi- Chủ tịch UBND xã Thành Trung- cho rằng: “Đường tỉnh 908 đã góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Khi Nhà nước có chủ trương nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 908, chính quyền và nhân dân xã rất đồng thuận.

Người dân có đất trong khu vực phải giải tỏa đã thực hiện tốt và hỗ trợ công trình thi công đúng tiến độ. Cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện đã giúp vùng rốn lũ ngày càng đổi mới hơn”.

Mở đường phát triển và hội nhập

Công trình Đường tỉnh 908 đang được thi công khẩn trương các công đoạn cuối, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Công trình Đường tỉnh 908 đang được thi công khẩn trương các công đoạn cuối, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Cùng với Đường tỉnh 908, Đường tỉnh 910 nối Đường tỉnh 908 từ xã Thành Trung đến TX Bình Minh cũng đã khởi công, theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

Được kỳ vọng “rút ngắn khoảng cách” từ vùng nông sản Bình Tân với khu vực tiêu thụ và phân phối TX Bình Minh, TP Cần Thơ.

Những con đường nông thôn ngày càng nối dài khắp vùng quê. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Những con đường nông thôn ngày càng nối dài khắp vùng quê. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Như vậy, ngoài “xương sống” Đường tỉnh 908 nối vùng nguyên liệu nông sản với QL1A và QL54 lên Lai Vung (Đồng Tháp), cùng với Đường tỉnh 910, đường Tầm Vu đi Đồng Tháp… đã kết nối vùng “rốn lũ” với các khu vực năng động khác.

Giao thông phát triển chính là nhân tố giúp hàng hóa nông sản có điều kiện ra thị trường nhanh và đảm bảo chất lượng hơn.

“Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đáng kể, bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và các vùng sâu, xa, căn cứ kháng chiến cách mạng”- ông Trần Quốc Hợp nhận định.

Sau 25 năm tách tỉnh, Vĩnh Long đã có 5 tuyến QL đi qua, tổng chiều dài 144km; 10 tuyến đường tỉnh, chiều dài 295km; hệ thống đường huyện với 400km và 135km đường đô thị.

Ngoài ra, còn có mạng lưới đường liên ấp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tổng chiều dài hơn 360km.

Cùng với đường bộ, hệ thống giao thông thủy khá phát triển, dịch vụ vận tải thủy với hệ thống cảng và bến thủy nội địa (cảng Vĩnh Long, cảng Bình Minh, cảng An Phước,...).

Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Hợp, với việc Chính phủ đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cải tạo nâng cấp các tuyến QL… đã tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế- xã hội cho các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cầu Trà Ôn khánh thành vào năm 2010, bắc qua sông Măng Thít, nối liền 2 huyện Trà Ôn và Tam Bình, xóa bỏ cách trở đò giang cho người dân. Công trình nằm trên tuyến giao thông huyết mạch QL54, nối liền Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh. Ảnh: MINH THÁI
Cầu Trà Ôn khánh thành vào năm 2010, bắc qua sông Măng Thít, nối liền 2 huyện Trà Ôn và Tam Bình, xóa bỏ cách trở đò giang cho người dân. Công trình nằm trên tuyến giao thông huyết mạch QL54, nối liền Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh. Ảnh: MINH THÁI

Kết cấu hạ tầng giao thông đã được phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực.

Từ đó, phát huy hiệu quả tăng cường năng lực vận tải, góp phần thu hút đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng- an ninh”.

Tuy nhiên, dù đã tập trung ưu tiên đầu tư nhưng đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cao hơn.

Dễ hiểu như cách nói của ông Tăng Văn Lẫm “giao thông đã thoát nghề và đang bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Vì thế, theo ông Trần Quốc Hợp, thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ quan tâm tập trung đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm; ưu tiên cho các công trình có tính kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt là các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

TRẦN PHƯỚC