Nuôi thú cưng ở đô thị- vui mà lo

Cập nhật, 13:48, Thứ Tư, 01/03/2017 (GMT+7)

Nuôi thú cưng, cụ thể là chó, mèo được xem là thú vui nhỏ ở đô thị, thể hiện tình yêu động vật. Đặc biệt, có những loại thú cưng trị giá hàng triệu đồng/con, còn thể hiện “đẳng cấp”, sự sang chảnh của người nuôi.

Song, vấn đề này cũng gây không ít tranh cãi, bởi hiện vẫn còn tình trạng thả rông chó, mèo trên phố. Nếu chẳng may chó “ngoạm” người đi đường thì ai chịu trách nhiệm, ai bồi thường hay chỉ có thể đổ lý do là “do xui xẻo”?

Thả rông chó trên đường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Thả rông chó trên đường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

“Nuôi cho vui cửa vui nhà”

Ở đô thị, với nhiều người nuôi chó, mèo không chỉ để làm cảnh mà chúng còn được xem như một người bạn của gia đình.

Không chỉ vậy, với nhiều gia đình khá giả, nuôi thú cưng còn thể hiện độ sang chảnh bởi hiện nay có rất nhiều loại chó kiểng đắt tiền như chó bully, chó Bắc Kinh, chó alaska... giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Ghi nhận ở nhiều tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long, có rất nhiều hộ gia đình nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, mèo, có nhà còn nuôi đến 2- 3 con chó để giữ nhà. Người thì nhốt chó trong chuồng, người thì cột dây, xích cổ...

Con đi làm xa nên cô Lê Thị Anh (Phường 1- TP Vĩnh Long) mua một con chó kiểng về nuôi. Cô khoe: “Chó này khôn lắm, biết đi vệ sinh đúng chỗ, không sủa bậy. Tôi rất cưng, không chỉ nuôi giữ nhà mà còn có nó bầu bạn cũng đỡ buồn. Đi đâu về thấy nó chạy ra mừng là vui rồi”.

Thế nhưng, không riêng gì tại TP Vĩnh Long mà còn ở các đô thị huyện, bên cạnh những người dân có ý thức xích chó, rọ mõm hay nhốt trong chuồng thì vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh chó chạy rông ra đường, trong khu dân cư, khu thương mại...

Nhiều người còn thiếu ý thức, để giữ cho nhà mình sạch sẽ, họ dẫn chó đi tản bộ rồi cho “ị” ở gốc cây, bụi cỏ, công viên. Không chỉ làm mất vệ sinh môi trường, việc thả rông chó còn gây nguy hiểm cho người dân và là nguyên nhân gây nên không ít vụ tai nạn giao thông.

Và, tình làng nghĩa xóm cũng bị sứt mẻ chỉ vì sự thiếu ý thức của một số người nuôi chó mà ra. Nhiều người than phiền, mỗi khi về đêm thấy tiếng động hoặc bóng người, chó nhà này đua nhau sủa rồi chó nhà bên cạnh cũng hùa sủa theo, om sòm cả khu phố.

Chú Nguyễn Văn Bé (Phường 3- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Không chỉ gây ồn ào vào giờ nghỉ, mất vệ sinh, mà còn có chuyện chó cắn người. Khu tôi ở có nhiều người nuôi chó và cũng có rất nhiều trẻ em tụ tập chơi vào mỗi chiều, hầu như các hộ nuôi chó không ai có ý thức xích chó lại, tôi thấy rất nguy hiểm”.

Không ít người còn bày tỏ thái độ khó chịu khi nuôi mèo ở đô thị. Mặc dù mèo là loại thú cưng khá hiền, không sủa hay dữ như chó nhưng đến mùa sinh sản là mèo cái lẫn mèo đực kêu nghe ...rợn người.

Nuôi thú cưng cũng cần văn minh

Không chỉ vậy, một số quán bán thức ăn nước uống nhưng vẫn vô tư, thoải mái nuôi chó và không xích lại, để chó tự nhiên đi lại “chào khách”.

Chị Lê Thị Nhãn (Phường 2- TP Vĩnh Long) kể: “Một lần tôi cùng bạn ghé quán kem, vừa vào quán đã có một con chó kiểng poodle nhỏ chạy ra sủa, chủ quán lên tiếng rầy rồi nó quay vào nhưng lát lại chạy tới chạy lui xung quanh các bàn nước.

Tôi thấy rất khó chịu, vì tôi bị dị ứng lông chó, chưa kể lông chó có thể bay vào thức ăn, nước uống”.

Một chị khác cũng bức xúc nói: “Người nuôi phải có ý thức. Như hôm trước tôi đang chạy xe trên đường, tự nhiên có con chó trong nhà chạy ra sủa rồi lao trước đầu xe, tôi hoảng quá, loạng choạng tay lái, suýt ngã”.

Dù đã có nhiều quy định, như không được thả rông động vật nơi công cộng, phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt... Song dường như các quy định này thường bị người nuôi... ngó lơ.

Thiết nghĩ, nhiều người nuôi chó xem là thú vui và thể hiện tình yêu động vật, song khi nuôi cần phải có ý thức, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng tới người xung quanh và bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Theo Thông tư số 07 ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp- PTNT, mục Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh dại như sau:

Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi): Phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Người nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN