Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: Đóa hoa bất tử bên bờ Biển Đông

Cập nhật, 14:13, Thứ Ba, 14/03/2017 (GMT+7)

 

Mô hình khu tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Mô hình khu tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.

Tròn 2 năm kể từ ngày Tổng LĐLĐVN tổ chức nghi lễ đặt viên đá Trường Sa vào lòng đất mẹ, công trình xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã cơ bản hoàn thành. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc như đóa hoa bất tử lấp lánh tỏa sáng. 

Bên bờ Biển Đông, con sóng xôn xao hòa nỗi nhớ thành câu hát, những người mẹ, người vợ, người con… và chiến hữu, bạn bè của các anh bộ đội hải quân từng “quyết tử vì tổ quốc” trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma (ngày 14/3/1988) đã có chốn đi - về ấm áp, bình yên...

Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía tây đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc khu 2 - Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Kể từ ngày Tổng LĐLĐVN tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên vào lòng đất, không chỉ các thành viên ban quản lý dự án mà toàn thể những người làm nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế, thi công… đã nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhằm đáp lại sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân cả nước và bày tỏ tấm lòng tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hòa - Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Thường trực Ban quản lý công trình xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết: “Thời gian chuẩn bị khoảng 7 tháng, cuối tháng 12.2015, các đơn vị thi công chính thức tập kết vật liệu ra hiện trường. Mặc dù điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt và hầu như không có nước ngọt, song đây là công trình của lòng dân, do đoàn viên công đoàn, cùng với nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp tài chính, trí tuệ, tâm huyết và cả nỗi khát khao được thể hiện lòng tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc; vì vậy những người đảm nhận trọng trách thi công xây dựng đã cố gắng vượt qua tất cả khó khăn để hoàn thành dự án đúng tiến độ”.

Theo thiết kế đã được duyệt, không gian kiến trúc Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được bố cục gồm 2 phần chính. Đến nay, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là “trái tim” của công trình đã hoàn thành. Cụm tượng giữa “vòng tròn bất tử” có chiều cao tổng thể 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính thời bình, sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của tổ quốc giữa Biển Đông. Bảo tàng ngầm đã và đang được gấp rút thi công phần chi tiết, đồng thời tiếp nhận, bảo quản các hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía biển cũng đã hình thành cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ… Hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng.

Tháng 3 ở bán đảo Cam Ranh, biển xanh hơn và bầu trời dường như cao rộng hơn. Nhiều đoàn cựu binh, học sinh, sinh viên… ở các tỉnh miền Trung đến dâng hương trước tượng đài “những người nằm lại phía chân trời”. Sóng gió chan hòa thổi hồn vào đá, níu giữ bước chân và an ủi tinh thần người đến, người đi…

Nhớ lại kỷ niệm sau cùng về người con trai yêu dấu “29 năm trước đã ra đi và mãi mãi không trở về”, cụ bà Phan Thị Đay (80 tuổi) ở xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn, kể: “Lần cuối về thăm nhà, Tuấn mua tặng má đôi dép, rồi hẹn sang năm lại về, sẽ mua tặng em gái một bộ đồ. Vậy mà, chỉ mấy tháng sau thì gia đình nhận tin báo con trai đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Nhớ thương con, cứ đến ngày 14.3, vợ chồng tui lại dắt nhau ra biển, nhúng người xuống nước và tin rằng trong nước biển có một phần thân thể con trai. Mỗi một lần nhận quà tình nghĩa, tui lại nghĩ cứ như là vừa được gặp con trong giây lát. Bây giờ, đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, không riêng tui, mà tất cả những người mẹ Việt Nam đều cảm thấy lâng lâng… ấm áp, tự hào”.

Nghiêng mình bên tượng đá, chị Trần Thị Thủy - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương bật khóc khi nhận ra dáng đứng của người cha chưa bao giờ được nghe tiếng con chào đời. Chị Thủy tâm sự: “Tôi cùng một số người thân của các liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma đã đến đây từ lúc công trình mới khởi công. Có mặt trong tất cả những nghi lễ quan trọng, tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của nhân dân cả nước đối với những người nằm lại giữa biển khơi, trong đó có cha tôi. Tôi tin rằng, hôm nay, rồi ngày mai…, khi những người lính trở về thắp cho đồng đội một nén nhang, ký ức sẽ hiện về, kỷ niệm sẽ được đánh thức. Chúng ta không thể nào quên!”.

Vâng, không chỉ những người lính năm xưa, mà đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế khi đến đây sẽ hiểu rằng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là tượng đài trong lòng dân Việt Nam.

Theo Lao Động