Quà xuân Nhơn Bình

Cập nhật, 11:19, Thứ Năm, 09/02/2017 (GMT+7)

Xã Nhơn Bình (Trà Ôn) được tách ra từ xã Hòa Bình- vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Kinh tế của người dân Nhơn Bình đến nay chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Trở lại căn cứ cách mạng này, tôi đi trên chiếc cầu bê tông vững chãi vừa hoàn thành nối 2 ấp Nhơn Ngãi- Ba Chùa. Chiếc cầu gợi lại trong tôi hình ảnh về những con đường đất, những chiếc cầu khỉ ngày nào ở vùng quê ấy.

Hồi đó, đây là căn cứ kháng chiến nên không riêng gì Nhơn Ngãi, Ba Chùa, Sa Co hay Sa Rày mà có thể nói cả Nhơn Bình này khó mà tìm được chiếc cầu nào kiên cố.

Điều này cũng dễ hiểu thôi vì thời kỳ chiến tranh mà. Hôm nay trở lại Nhơn Bình- quê hương của anh Nguyễn Phạm Thức (Xuân Thủy)- nhà báo cách mạng và cũng là người anh, người thầy của tôi trên con đường làm báo, tôi vui lây trước sự đổi thay đi lên của vùng quê căn cứ kháng chiến mà phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) mang lại.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa- Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã thì được biết: Năm 2016, Nhơn Bình vẫn chưa nằm trong diện được huyện Trà Ôn chọn làm điểm về đích NTM. Đều này cho thấy Đảng bộ và nhân dân địa phương phải tiếp tục đi lên NTM bằng nội lực của mình.

Khó khăn là thế đó nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận nhiệt tình của quần chúng nhân dân, cộng với các nguồn hỗ trợ khác, năm 2016 Nhơn Bình đã xây dựng được 1 phòng học mẫu giáo với kinh phí 207 triệu đồng; xây 1 cầu bê tông (mặt rộng 1,6m, dài 26m) kinh phí gần 142 triệu đồng; làm đường đan ấp Tường Ngãi dài 617m; sửa chữa đường đan liên ấp Sa Rày- kinh số 1- Sa Co dài 4.700m.

Về nhà ở, trong năm Nhơn Bình vận động xây dựng được 2 nhà tình nghĩa cho 2 gia đình chính sách ở ấp Tường Nhơn, với kinh phí 100 triệu đồng.

Về nước sạch và vệ sinh môi trường, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và đóng góp của nhân dân, năm 2016 ngoài việc mở rộng hệ thống cung cấp nước sạch dài 2.500m ở ấp Sa Co và một phần của ấp Nhơn Trí thì Nhơn Bình còn kéo thêm được 400m ống phân phối nước để cung cấp nước sạch cho hàng chục gia đình, bằng nguồn kinh phí của người dân. Ngoài ra, có thêm nhiều hộ dân xây được nhà vệ sinh, đào được hố rác tự hoại đạt chuẩn NTM.

Với Nhơn Bình, trong những công việc đã làm được để từng bước thay da đổi thịt đi lên đáng quan tâm là mặt trận sản xuất nông nghiệp.

Ở lĩnh vực này, qua vận động của chính quyền, Nhơn Bình có thêm 195 hộ nông dân đưa 150ha đất sản xuất lúa vào cánh đồng mẫu lớn.

Xã cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua cây giống, con giống thực hiện mô hình trình diễn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như nuôi bò, nuôi heo sinh sản, làm nấm rơm và trồng cây có múi…

Để từ kết quả đạt được của những mô hình này, xã nhân rộng ra địa bàn nhằm phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Ông Ngô Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND xã- cho biết: “Thực hiện phong trào xây dựng NTM, năm 2016, Nhơn Bình đã đầu tư 380 triệu đồng cho thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn và 679 triệu đồng cho phát triển thủy lợi. Trong đó nhân dân địa phương đã đóng góp tổng cộng trên 431 triệu đồng.

Đáng chú ý nữa là ở Nhơn Bình luôn có sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền trong đầu tư vốn, giống đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Năm 2016, xã vùng sâu này đã nâng thu nhập bình quân đạt 32,8 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) xuống còn 9,19%; có 1.822 hộ nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng chiếm 80% và 2.236 hộ có điện lưới quốc gia sử dụng an toàn, chiếm 98,8% tổng số hộ toàn xã.

Với sự đồng tâm hiệp lực trên đây, tính đến nay, Nhơn Bình đã về đích được 11/19 tiêu chí chuẩn NTM. Kết quả ấy tuy còn ở mức khiêm tốn so với các địa phương khác ở Trà Ôn.

Song, nếu nhìn lại một xã bị chiến tranh tàn phá nặng nề và thuộc vùng sâu, khó khăn như Nhơn Bình thì việc đạt được 11 tiêu chí chuẩn NTM mà gần như bằng nội lực thì đáng trân trọng biết bao!

TRỌNG DÂN (Vũng Liêm)