Nhân 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2)

Chữa bằng thuốc, chăm bằng tình

Cập nhật, 05:28, Thứ Bảy, 25/02/2017 (GMT+7)

Ở rất nhiều trạm y tế tuyến xã, chúng tôi cảm nhận được mối quan hệ giữa đội ngũ y tế cơ sở với người dân địa phương là rất tình cảm, sâu sắc.

Người dân nói đến với y tế cơ sở do tiện lợi, nhanh chóng, ở đó ngoài thăm khám, thuốc men, thì còn là cái tình “riết rồi thành quen” mà họ nhận được để tinh thần phấn khởi, tin tưởng.
Người dân nói đến với y tế cơ sở do tiện lợi, nhanh chóng, ở đó ngoài thăm khám, thuốc men, thì còn là cái tình “riết rồi thành quen” mà họ nhận được để tinh thần phấn khởi, tin tưởng.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, người dân khi đến y tế tuyến xã hầu hết là cùng làng chung ấp, ở đó họ được khám chữa bệnh (KCB) nhận thuốc.

Nhiều người “riết rồi thành quen” còn tâm tình, sẻ chia với bác sĩ (BS), dược sĩ, để biết cách bảo vệ, nâng cao sức khỏe.

Đi khám bệnh... và tinh thần nhẹ như không!

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (73 tuổi, ngụ ấp Thành Hậu, xã Thành Đông- Bình Tân) chiều 23/2 đến Trạm Y tế xã Thành Đông khám bệnh định kỳ BHYT và nhận thuốc.

Đi cùng ông là cháu ngoại “do nó nóng, sổ mũi hổm rày rồi”. Ông Nghĩa nói mình bị bệnh lên máu là chính, còn đau nhức liên miên do tuổi già nữa.

“Gần nhà, ra trạm xá tiện, khỏi đợi chờ như ra ngoài bệnh viện. Mỗi lần được BS khám cho thuốc uống khoảng tuần. Xong lại ra thăm khám, nhận thuốc tiếp”- ông Nghĩa thủng thẳng nói.

Khám cho ông Nghĩa xong, BS chuyên khoa I Trưởng Trạm Y tế Thành Đông Lê Bé Mười Hai trong lúc kê đơn thuốc, đã đưa tờ bướm nói về kiến thức phòng chống tăng huyết áp.

Ông Nghĩa cẩn thận xếp bỏ túi, nói “về nhà tui coi để biết cách phòng bệnh người ta dạy thế nào”...

Xong ca ông Nghĩa, BS Lê Bé Mười Hai khám cho ông Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi, ấp Thành An). Ông Dũng nói: “Bệnh già mà đủ thứ hết chú ơi, nhưng chủ yếu là chữa cái bệnh viêm mũi xoang”.

Cũng làm các bước “riết rồi thành quen” với những chú, bác, cụ ông trong xã như đã khám tự nào giờ, xong BS Mười Hai tư vấn thêm cách bảo vệ sức khỏe đối với bệnh viêm xoang mà ông Dũng cần chú ý trong sinh hoạt ở nhà.

Theo BS Lê Bé Mười Hai, trạm y tế hiện có 7 người, trong đó 2/7 người thì một đang học BS tập trung, một học cử nhân vừa học vừa làm.

“Có thể coi là còn ít người trong bối cảnh chung huyện còn hạn chế về đội ngũ BS, nhưng trạm luôn đảm bảo lúc nào cũng có BS phục vụ bà con”- BS Mười Hai nói.

Tại Trạm Y tế xã Phú Quới (Long Hồ), BS chuyên khoa I Lê Hoàng Tùng- Trưởng trạm- phấn khởi nói năm ngoái trạm khám hơn 16.000 lượt bệnh, vượt so chỉ tiêu giao là 13.000 lượt.

Khi thông tuyến KCB tuyến huyện, xu hướng người dân đến KCB ở các bệnh viện huyện tăng và giảm lại ở hầu hết trạm y tế tuyến xã.

Trong khi đó, có lẽ do nơi đây tập trung đông công nhân và học sinh- sinh viên nên ở trạm này lại tăng. Tuy cực nhưng rất phấn khởi...

Tạo tin tưởng để “riết rồi thành quen”!

BS Lê Hoàng Tùng nói trạm giờ được đầu tư trang thiết bị y tế khá ổn để phục vụ nhu cầu người dân: siêu âm, điện tim, xét nghiệm đường huyết, Dopler tim thai.

Và với đội ngũ y- bác sĩ tại trạm, đã cơ bản khai thác, sử dụng thiết bị phục vụ. Nhìn nhận con người, trang thiết bị đã rất cơ bản, BS Lê Hoàng Tùng còn nói chính tinh thần thái độ phục vụ của anh em đã dần nâng lên, qua đó tạo được niềm tin và đem đến sự hài lòng cho bà con xa gần khi đến trạm chăm sóc sức khỏe.

Nói vai trò của tuyến y tế xã chủ yếu phòng bệnh là chính, nhưng BS Mười Hai cho hay Trạm Y tế Thành Đông vẫn khai thác được thiết bị điện tim, siêu âm đã được trang bị, khi có yêu cầu.

Dù thông tuyến KCB tuyến huyện, lượng bệnh khám giảm lại so trước, nhưng “bà con gần gũi xóm làng, người ta tin tưởng và tiện lợi nên vẫn đến mình để khám, lấy thuốc, để được tư vấn chăm sóc sức khỏe khi về nhà”- BS Mười Hai vui vẻ cho biết.

Định hướng hoạt động hàng năm, Sở Y tế đặt yêu cầu phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng KCB của hệ thống y tế các cấp, xã hội hóa để nâng cao chuyên môn và đa dạng hóa dịch vụ KCB, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và ở đó sẽ có vai trò, trách nhiệm không nhỏ của hệ thống y tế cơ sở.

Sẽ không là toàn bích khi định tính, định lượng những gì y tế cơ sở đã làm được trong những năm qua, nhưng có thể nói chính y tế cơ sở ở nơi “tuyến đầu” ngoài việc góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân, thì đã đem đến cho họ tinh thần phấn khởi, sự tin tưởng nhiều hơn.

Điều này rất cần thiết không chỉ với BS, nhân viên y tế cơ sở, mà còn có thể là nguồn cảm hứng cho tinh thần, thái độ phục vụ ở những cơ sở y tế tuyến trên vốn chịu nhiều áp lực hơn... để hình ảnh người BS, lương y luôn là “từ mẫu”.

Toàn tỉnh hiện có 639 BS, 99 dược sĩ ĐH và sau ĐH. Tỉnh đạt 6,13 BS/10.000 dân; 33,32 cán bộ y tế/10.000 dân.

Trong số đó tuyến y tế xã có 124 BS, 335 y sĩ, 170 dược sĩ, 169 hộ sinh... Năm qua, có 3.095.497/2.564.800 lượt người đến cơ sở y tế các tuyến KCB, đạt 120,69%.

Đến nay trạm y tế 100% xã- phường- thị trấn thực hiện đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, bố trí đảm bảo 100% trạm y tế có BS phục vụ. Đến hết năm 2016, có 107/109 xã- phường- thị trấn được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 (98,16%).

Bài, ảnh: MINH THÁI