Đề xuất chưa thông qua dự án Luật về hội

Cập nhật, 05:25, Thứ Năm, 27/10/2016 (GMT+7)

Dự án Luật về hội dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, thế nhưng qua phiên thảo luận còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao cũng như còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Từ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại diện cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ xin tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh dự án và trình trong kỳ họp sau.

Thời gian qua, nhiều hoạt động của các hội đặc thù đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thời gian qua, nhiều hoạt động của các hội đặc thù đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội- Uông Chu Lưu, dự án Luật về hội là một dự án luật rất quan trọng và cũng có phần nhạy cảm, dự án luật này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và của ĐBQH.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã đóng góp nhiều vấn đề cần phải bổ sung và chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như sau này.

Hội cần liên kết và xã hội hóa

ĐBQH Quách Thế Tản (đơn vị tỉnh Hòa Bình) cho biết, về trường hợp hạn chế quyền lập hội (khoản 5, Điều 8) quy định “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”; riêng việc này luật cần làm rõ thêm, vì trong điều kiện hội nhập hiện nay chúng ta không thể tránh khỏi, hoặc không thể không có sự phối hợp giao lưu, liên kết hoặc sự phối hợp với các hội nước ngoài.

Hiện nay ở nước ngoài còn nhiều tổ chức hoặc có nhiều cá nhân người nước ngoài nhưng quốc tịch Việt Nam, muốn hỗ trợ quyên góp ủng hộ cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đề nghị luật cần quy định cụ thể loại nào thì được tiếp nhận và xin phép như thế nào để các tổ chức hội có thể tiếp nhận.

Theo ĐBQH Lê Quốc Phong (đơn vị tỉnh Bình Thuận), việc quy định hội không được nhận tài trợ ngoài nước cần cân nhắc thể hiện linh hoạt hơn. Hoạt động của hội chủ yếu xã hội hóa, trong xã hội hóa có nguồn lực quan trọng trong nước nhưng cũng có những nguồn lực hợp pháp có nguồn gốc nước ngoài.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế đây là điều tất yếu một mặt thúc đẩy ngoại giao nhân dân kết nối người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Mặt khác, tận dụng tối đa các nguồn lực có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, có thiện chí tốt để thực hiện các nhiệm vụ xã hội góp phần phát triển đất nước.

Đồng tình quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đơn vị tỉnh An Giang) cho rằng, nếu quy định như vậy là hạn chế sự hội nhập quốc tế của các ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong ngành y tế rất cần sự hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật để phục vụ bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Cần bổ sung thêm một số hội đặc thù

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị luật cần xem xét, bổ sung thêm một số hội đặc thù đã có những hoạt động tốt và hiệu quả.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đơn vị TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi so sánh tiêu chí, những hội đặc thù của nước ta thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng chỉ đạo về nhân sự, lãnh đạo và được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất ngân sách hoạt động thì Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam cũng thuộc phạm vi này. Do đó, đề nghị xem xét việc đưa thêm 2 hội này vào luật.

Ngoài ra, cần làm rõ việc các Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị mà có hội viên là tổ chức, để có sự nhất quán trong chính sách và việc áp dụng luật được thỏa đáng.

ĐBQH Bùi Quốc Phòng (đơn vị tỉnh Thái Bình) cho rằng, dự án luật cần quy định cụ thể chính sách cho phù hợp với 28 tổ chức hội đặc thù trong đó có 10 tổ chức hội có đảng đoàn và các tổ chức hội khác, cần rà soát các tổ chức hội một cách cụ thể để tránh tình trạng hoạt động hình thức và chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tăng biên chế, tăng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và cần quy định rõ trong dự án luật về vai trò quản lý của nhà nước các cấp đối với tổ chức hội.

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (đơn vị tỉnh Hậu Giang), qua lấy ý kiến đóng góp dự án luật tại địa phương, đại đa số đại biểu và cử tri mong muốn hoạt động của hội phải bảo đảm theo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 5 của dự án luật.

Trong đó nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản đó là: tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Do đó, đề nghị dự án luật cần quy định rõ phân cấp quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội.

Theo nhiều ĐBQH, luật nên quy định rõ ở Trung ương quản lý cấp hội nào và ở địa phương quản lý cấp hội nào. Để tránh tình trạng như hiện nay, nhất là đối với các hội đặc thù, Trung ương có hội nào thì tỉnh có hội đó gây tốn kém ngân sách rất nhiều.

Khi vừa thành lập xong thì yêu cầu phải cấp ngân sách để xây dựng trụ sở, cấp phương tiện hoạt động, phụ cấp lương và các chế độ khác, thậm chí hàng năm HĐND tỉnh phải phân bổ ngân sách hoạt động, v.v... rất khó khăn cho cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Đề nghị khi luật có hiệu lực thi hành thì tất cả các hội trong đó có hội đặc thù phải hoạt động theo đúng quy định của Luật về hội.

Từ những ý kiến của ĐBQH, đại diện cơ quan soạn thảo Bộ trưởng Bộ Nội vụ- Lê Vĩnh Tân xin ghi nhận ý kiến đóng góp của các vị ĐBQH và sẽ cùng với đơn vị kiểm tra, giám sát, cơ quan Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để hoàn chỉnh dự án trình trong kỳ họp sau.

Bài, ảnh: TÂM- HUỲNH