Thủ đoạn "bỏ cọc" của thương lái

Cập nhật, 10:44, Thứ Tư, 08/06/2016 (GMT+7)

Nông dân một nắng hai sương làm ra được hạt lúa, nhưng nỗi lo về đầu ra vẫn canh cánh bên lòng. Thật sự, người nông dân được lợi bao nhiêu từ sản phẩm của mình làm ra?

Hiện nay, nông dân thường bán lúa trước cho thương lái, nhận tiền thương lái đặt cọc từ khi lúa bắt đầu ngậm sữa, có nơi mới xuống giống là có thương lái đến đặt mua. Người nông dân vẫn lo cho đầu ra của mình ở cuối vụ nên sẵn sàng nhận cọc của thương lái, như một cách giải quyết “đầu ra” cho hạt lúa vào mùa thu hoạch.

Thế nhưng họ vẫn chưa thể an tâm. Vì thường đến cuối vụ, nhất là vụ Xuân Hè, Thu Đông mua gió thường xuyên, thương lái thường “bỏ cọc”, với lý do giá lúa thị trường xuống thấp nên không thể mua vào được.

Quan sát mấy mùa vụ gần đây, chúng ta đều thấy, hễ đến khi thu hoạch thì thương lái bỏ cọc. Tại sao lại như vậy? Chúng ta thử nghĩ, nhiều thương lái bỏ cọc là lỗ, vậy sao họ vẫn “bỏ cọc” hoài vậy.

Xin trả lời: vì đây có thể là chiêu trò rất tinh vi của họ trong việc mua lúa của người dân trong mấy vụ lúa gần đây. Khi thương lái đặt cọc thì rất thấp, thường là 2 triệu đồng/ha (trung bình mỗi ha lúa khi thu hoạch được 300 giạ).

Đến ngày thu hoạch, người đặt cọc báo là bỏ cọc. Sau đó, sẽ có thương lái khác đến mua. Chẳng hạn như vụ mùa Xuân Hè này, nhiều thương lái đặt cọc 94.000 đ/giạ; khi bỏ cọc xong, một thương lái khác đến mua 86.000 đ/giạ.

Giá lúa giảm đi 10.000 đ/giạ thì nông dân phải chịu lỗ 3 triệu đồng/ha. Còn sau khi trừ 2 triệu tiền cọc mà thương lái bỏ thì còn lỗ 1 triệu đồng. Số tiền lời này rơi vào chính tay thương lái vì giữa người bỏ cọc và người đi mua lúa thường có mối liên kết với nhau.

Cuối cùng, nông dân vẫn là người chịu thiệt. Thủ đoạn mua bán rất tinh vi của một số thương lái mua lúa trong thời gian gần đây khiến một số nông dân dù biết nhưng không biết làm sao. Thế nên rất cần cơ quan vào cuộc, nhắc nhở chấn chỉnh tình trạng này cũng như tìm đối tác bao tiêu sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân.

Hai Quan Sát