Câu chuyện cuối tuần

Tiếng cười, đừng quá dễ dãi!

Cập nhật, 07:15, Chủ Nhật, 12/06/2016 (GMT+7)

Tưởng mình khó tính, khi biết tôi viết câu chuyện này, nhiều bạn bè chia sẻ sự đồng cảm về những tiết mục “hài nhảm” đang “bội thực” trên sóng truyền hình hiện nay.

Có thể nói, đây là thời “trăm thứ hài” đua nhau nở rộ. Chỉ cần bật ti vi là thấy hài, ai cũng diễn hài được, nhiều tiết mục “không ngại” văng tục hay nhàm nhất trong lối diễn “trai cong” õng ẹo.

Hài thực tế ăn khách đến độ, các danh hài chạy show mệt nghỉ, hết chương trình này sang chương trình khác.

Bên cạnh những chương trình có sự trau chuốt về nội dung, diễn xuất thì vẫn có nhiều tiết mục “hài tự do”, thiếu chuẩn bị nghiêm túc, nếu không muốn nói... cũ xì. Tôi nhớ không ít lần xem các gameshow, thí sinh thi hài búng tay có thể bỏ túi vài chục triệu đồng.

Ngơ ngác không hiểu thí sinh đang làm gì thì dưới sân khấu mà giám khảo lại cười ngặt nghẽo. Công bằng mà nói, nhờ không ít chương trình hài mà người ta được giải khuây, cười hết cỡ. Nhưng đó là của hiếm, khi để tìm mọi cách gây cười, nghệ sĩ đã phải dụng hết chiêu, kể cả… hài nhảm.

Bản thân tiếng cười là điều đáng quý, nó làm cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Thế nhưng, việc đưa quá nhiều tiếng cười không chủ đích, cộng với tần suất xuất hiện của nghệ sĩ hài quá dày khiến cho họ không có thời gian đầu tư, sáng tạo. Nhiều người trở thành “cái máy gây cười”, hay bị “thọt lét” cười.

Người ta có thể ngụy biện có cầu ắt có cung. Tuy vậy, dẫu tiếng cười là để giải trí và thư giãn, không đặt nặng hay đòi hỏi, nhưng phần đông khán giả đều đồng ý rằng tiếng cười phải có văn hóa.

Bài học từ sự phẫn nộ của công chúng trước vở cải lương tấu hài Tô Ánh Nguyệt mới đây đã cho thấy, bản thân khán giả vẫn muốn tiếp nhận nghệ thuật với những giá trị đích thực của nó.

Tiếng cười dễ dãi cũng chỉ che mắt khán giả tức thì, nhưng bản chất thực sự của một tác phẩm nghệ thuật sẽ được nhìn nhận ở chiều sâu. Một món ăn dù ngon đến mấy nhưng nếu phải ăn mãi thì cũng ngán.

Mong rằng, những người làm “món hài” hãy thôi vì sự chiều chuộng “thực khách”, hay vì doanh thu mà đem quá nhiều tiếng cười dung tục vào nghệ thuật, quên đi chức năng khác của nghệ thuật hài là giáo dục và định hướng thẩm mỹ.

HOÀNG MINH