Đã có hơn 50.000 con cò ốc về Vườn quốc gia Tràm Chim

Cập nhật, 06:43, Chủ Nhật, 17/04/2016 (GMT+7)

2 tháng nay, đã có hơn 50.000 con cò ốc bay về sinh sống ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, tập trung tại khu A1, A2, A3, A4 và A5; nơi có nguồn thức ăn dồi dào như: cua, ốc, cá tạp…

Mỗi con cò ốc có trọng lượng từ 1,2- 1,5kg. Đây là loài chim quý đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam nên nghiêm cấm săn bắt dưới mọi hình thức.

Vườn quốc gia Tràm Chim và UBND các xã- thị trấn quanh vùng đệm yêu cầu người dân khi thấy cò ốc kiếm ăn trên ruộng lúa của mình thì không được chọc phá hoặc săn bắt.

Nếu phát hiện trường hợp săn bắt hoặc mua bán trái phép cò ốc, ngành chức sẽ xử lý nghiêm theo luật định.

Số lượng đàn cò ốc bay về sinh sống ở Vườn quốc gia Tràm Chim nhiều cho thấy hệ sinh thái nơi đây đã tốt lên, thu hút hơn 20.000 cá thể loài chim nước, trên 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác...

Trong đó, có 231 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như: ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa, ô tác, cò thìa, cò quắm, công đất, gà đãi, giang sen, diệc, trích, rồng rộc vàng,...

Đặc biệt, là loài sếu đầu đỏ cổ trụi- một loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ. Hiện nay, đàn sếu đầu đỏ cổ trụi đã bay về tại Vườn quốc gia Tràm Chim là 15 con. Đặc biệt, có một con sếu đực vừa trở lại sau 18 năm di trú.

Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Tràm Chim còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000ha tràm và gần 1.000ha lúa trời, sen, súng, cỏ, năn... Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống...

Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được công nhận di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và được cấp Bằng công nhận là khu Ramsar về đất ngập nước thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới.

Đây là một trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam, với sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương.

Theo kế hoạch giám sát, bảo tồn thực hiện từ nay đến năm 2020, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ xây dựng bảng danh mục các loài động thực vật quý hiếm; quy hoạch đầu tư vườn sưu tập thực vật; nghiên cứu sự biến đổi của hệ sinh thái để có những biện pháp ứng phó; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển sinh vật...

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn quỹ nguồn gien tốt hơn, cần có giải pháp phát triển đa dạng sinh học kết hợp du lịch sinh thái, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như công tác phòng cháy chữa cháy; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn sếu đầu đỏ.

TRẦN TRỌNG TRUNG