Câu chuyện cuối tuần

Chuyện của vỉa hè

Cập nhật, 07:19, Thứ Bảy, 02/04/2016 (GMT+7)

Một Việt kiều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, khi về thăm quê hương được hỏi “ấn tượng ban đầu là gì” liền bập bẹ trả lời… “ăn ở… vỉa hè”- quả thật, vỉa hè ở Việt Nam thường rất gây ấn tượng với người nước ngoài, bởi sự sôi động đến bất ngờ lẫn mang chút hồn nhiên kỳ lạ. Vỉa hè có một “đời sống” thật sự và rất riêng biệt mà không dễ nơi nào có được.

Vỉa hè là nơi từng mùa đi qua, có “hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” cũng có những người tới từ miền quê nghèo khó, nặng gánh gia đình, mong chen được vào chút vỉa hè nào đó để kiếm sống.

Có những vỉa hè ngày luôn tấp nập đến nỗi người đi bộ phải “rớt” xuống đường nhưng đêm lại vắng ngắt. Có những vỉa hè cứ tối mới ồn ào, náo nhiệt với “món nướng, cà phê” đến tận tờ mờ sáng hôm sau.

Có những cuộc “chiến đấu” dài lâu giữa “lấn chiếm” hay nhường đường cho người đi bộ? Hoặc có nên cho bán hàng rong trên vỉa hè hay không? Vỉa hè còn là nơi chứng kiến tất thảy những hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Những thông tin từ vỉa hè truyền đi cũng nhanh không kém bất kỳ phương tiện truyền thông hiện đại nào khác.

Trong những món ăn Việt Nam nổi tiếng thế giới, món ngon vỉa hè cũng đặc biệt vang danh. Vẫn chưa hết, nhìn vào vỉa hè còn có thể thấy được nền văn hóa chung ở nơi đó và cả cách quản lý của địa phương. Một người dân từ quê lên phố hay từ xa tới thì không có cách tiếp cận nào thuận lợi, dễ dàng và “rẻ tiền” hơn là cứ đi bộ dài theo hè phố để thụ hưởng, ngắm nghía và cảm nhận đô thị nơi đó.

Một người nước ngoài đến sống và làm việc, chỉ được coi là kỳ cựu khi “hiểu được đời sống vỉa hè”. Cũng vì vậy, không ít du khách thích thú để được “đi ra phố và tìm hiểu cuộc sống của người dân”.

Nói vòng vo, dông dài như vậy để thấy rằng vỉa hè thật sự là một phần đời sống quan trọng của các đô thị. Cũng chính vì vậy, đã có rất nhiều tranh luận trái ngược nhau khi có thông tin Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) dự định chi 1.000 tỷ đồng thay vỉa hè bằng đá granit. Mọi quyết định còn ở phía trước và tất nhiên để có thể chi ngàn tỷ này là cả lộ trình.

Có lẽ, cũng như nhiều người dân đô thị (và cả nông thôn), câu chuyện cuối tuần cũng đang chờ đợi để được xem một cách ứng xử hay của “văn hóa vỉa hè”.

PHƯƠNG NAM