Nước đã đến chân!

Cập nhật, 05:37, Thứ Sáu, 11/03/2016 (GMT+7)

Những ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đã đi thị sát kiểm tra tình hình và chủ trì các cuộc họp gồm nhiều bộ, ngành chức năng cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, đưa ra những giải pháp cấp bách để hỗ trợ nông dân vượt qua tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng.

“Nước… mặn đã đến chân” nên tất cả công việc bây giờ cũng chỉ là những giải pháp tình thế.

Ai hay vùng đất trù phú ĐBSCL có tới hàng trăm ngàn hecta lúa Đông Xuân bị thiệt hại, hàng trăm ngàn hộ gia đình, với nửa triệu người thiếu nước sinh hoạt.

Rõ ràng là bạc tiền, công sức dành cho những vùng quê này chưa xứng tầm. Hơn thế, qua sự chỉ đạo đã cho thấy Bộ Nông nghiệp- PTNT chưa chủ động và nhạy bén khi đã biết biến đổi khí hậu khó lường để có những kịch bản ứng phó.

Cứ nhìn quy hoạch thủy lợi sẽ thấy lộ rõ với bao bất cập. Cứ nhìn các cống lấy nước ngọt, ngăn nước mặn cũng xập xệ xuống cấp, cứ nhìn hệ thống đê bao ngăn mặn không chống đỡ nổi với nước mặn tràn vào...

Phải nói thẳng là lãnh đạo ngành nông nghiệp- PTNT và các tỉnh cũng chưa chú trọng đúng mức trong chỉ đạo, còn chạy theo sự vụ, kiểu “chữa cháy”, nên mặn đã đến chân vẫn cứ mãi lúng túng, loay hoay? Phải có quy hoạch tổng thể chống hạn, ngăn mặn cho cả vùng ĐBSCL chứ không thể tỉnh nào tỉnh ấy lo.

Một cơ chế phát triển vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp đã được nói nhiều và từ rất lâu nhưng làm chưa được bao nhiêu. Cộng gộp số học 13 “nền kinh tế” của 13 tỉnh- thành ĐBSCL thì không phải là nền kinh tế của cả đồng bằng, mà ngược lại còn có nguy cơ cản trở nhau, làm suy yếu nhau.

Cứ đà này thì những thiệt hại đâu chỉ dừng ở những con số ấy, mà sẽ còn bày ra đủ những cái khó lường phía trước. Những gì chúng ta thấy hôm nay sẽ lặp lại ở mức độ khốc liệt hơn. Sự đe dọa với ĐBSCL là trầm trọng và nghiêm trọng hơn dự báo.

Từ nay an ninh lương thực quốc gia bị đe dọa. Đang và sẽ có hàng loạt những hộ nghèo tiếp tục nghèo thêm, sẽ có những hộ cận nghèo sẽ rơi vào cảnh nghèo hơn trước nữa. Bao nhiêu gia đình vừa thoát nghèo sẽ tái nghèo, tái khó?

Hơn bao giờ hết, trong một chương trình khoa học cấp quốc gia để ĐBSCL phát triển bền vững, cần một sự tiếp cận và giải quyết các thách thức có phối hợp chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn. “Nước mặn đã quá chân”, muộn còn hơn không! 

HOÀNG HÀ