Kinh nghiệm quý xây dựng nông thôn mới từ Tam Bình

Cập nhật, 08:15, Thứ Tư, 30/03/2016 (GMT+7)

Kết thúc giai đoạn 1 xây dựng nông thôn mới (NTM) 2011- 2015, Tam Bình là huyện dẫn đầu phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM” với 5/16 xã (31,25%) đạt NTM, trong đó có 1 xã ngoài các xã điểm. Với sự nỗ lực của BCĐ huyện và sự đồng lòng của mỗi người dân, đã xuất hiện những mô hình tốt, cách làm hay.

Hợp tác xã gia công sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, rất có ý nghĩa trong xây dựng xã NTM ở Tam Bình.
Hợp tác xã gia công sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, rất có ý nghĩa trong xây dựng xã NTM ở Tam Bình.

Theo bà Huỳnh Chí Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, quá trình xây dựng NTM ở huyện có thể rút ra vài kinh nghiệm:

Trước hết, khẳng định thành tựu đạt được là nhờ công tác tuyên truyền đã tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động từ huyện đến xã và tận người dân.

Trong đó có sự chỉ đạo rất cụ thể, ví dụ như trong năm xã nào thực hiện đạt tiêu chí nào hoặc mấy tiêu chí và tiêu chí đó nội dung là gì, lợi ích mang lại như thế nào. Trong tiêu chí đó, phần Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, nhân dân phải đóng góp và tham gia xây dựng cái gì, lộ trình thực hiện để đạt tiêu chí ra sao…

Trong chỉ đạo phong trào sáng- xanh- sạch- đẹp, mặc dù có những xã trong năm không đăng ký thực hiện đạt tiêu chí đó, nhưng cũng phải thực hiện chung. Các xã điểm thì phải đạt yêu cầu, nên tạo được sự nhận thức trong nhân dân để mỗi người cùng thực hiện cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Hai là, hàng năm BCĐ huyện chỉ đạo các xã đưa chỉ tiêu xây dựng NTM vào nghị quyết của đảng bộ để lãnh đạo thực hiện.

Trong đó cũng thực hiện theo phương châm “tiêu chí nào dễ đăng ký thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau”, nội dung trong từng tiêu chí thuộc về người dân làm thì tập trung vận động làm trước như đường liên xóm hoặc đường nội đồng để có sự chỉ đạo tập trung.

Song song đó, tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra. Đối với các xã đăng ký về đích, có hội ý hàng tuần giữa BCĐ huyện, xã, các sở, ngành liên quan và cả đồng chí BCĐ tỉnh phân công chỉ đạo giúp xã, nhằm tháo gỡ kịp thời cho những tiêu chí còn khó khăn.

Đối với những xã chưa đăng ký về đích trong năm đó thì hội ý hàng tháng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Một việc quan trọng nữa là phát huy tối đa bộ phận giúp việc của huyện, bởi bộ phận này nắm rõ tất cả những diễn biến của các xã, tham mưu đề xuất những giải pháp sát hợp hơn. Đến cuối năm, có thẩm định lại các kết quả thực hiện của từng xã để định hướng cho năm mới.

Kinh nghiệm thứ ba của Tam Bình là khâu phối hợp, BCĐ huyện làm trung tâm đầu mối phối hợp với các ngành tỉnh với BCĐ các xã. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Khi đó, thì người dân cũng ý thực được trách nhiệm mình phải tham gia làm những phần việc nào.

Bốn là, huyện rất quan tâm về tiêu chí thu nhập, nhưng chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên để tăng bình quân trên dưới 3 triệu đồng/ người/ năm là hết sức khó khăn.

BCĐ huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nhân rộng các mô hình có hiệu quả phù hợp với từng địa phương; đồng thời quan tâm nâng chất các tổ hợp tác, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Qua đó, sản xuất và tiêu thụ lúa đã giảm đi phần trung gian, mà tự các tổ liên kết, từ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đến đầu ra như ký kết, bán trực tiếp cho doanh nghiệp. Đặc biệt, huyện cũng tập trung chỉ đạo các địa phương tạo ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đến nay, toàn huyện phát triển được 9 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 3 hợp tác xã ở các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh,… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện cũng quan tâm cho thành lập tổ xúc tiến việc làm do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu địa phương, thông tin nhu cầu lao động. Qua đó, tạo điều kiện cho lao động có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Huyện đã phát động và ký kết giao ước thi đua giữa các xã, khen thưởng kịp thời cho những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng NTM. Từ đó, nhận được đồng thuận cao của người dân trong xây dựng NTM.

Hiện các địa phương tiếp tục rà soát lại các đề án xây dựng NTM để có kế hoạch hàng năm sát với tình hình thực tế, gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thực hiện giảm nghèo bền vững. Trọng tâm là các tiêu chí thu nhập, giảm nghèo vì đây là mục tiêu của chương trình, đặc biệt là các xã được công nhận NTM trong giai đoạn 2011- 2015 cũng có giải pháp đảm bảo khi đến xét tái công nhận vào năm 2020 phải đạt theo chuẩn mới của thời điểm này.

 

Bài, ảnh: TRẦN ÚT