Giảm nghèo và... "dám nghèo"

Cập nhật, 07:17, Thứ Tư, 23/03/2016 (GMT+7)

Lạ, đất nước ngày một phát triển, nhưng số người nghèo mới cứ xuất hiện hàng năm. Mỗi địa phương đều được giao chỉ tiêu giảm nghèo và thường thì đa số đều hoàn thành; nhưng hễ một số hộ trả sổ nghèo, thì lại có một số hộ mới được liệt vào diện nghèo. 

Do đó cái tỷ lệ hộ nghèo vẫn luôn luôn... bền vững. Giờ đây, các chỉ số đánh giá hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nên càng nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới.

Trước tiên, chúng ta miễn bàn hộ nghèo vĩnh viễn, vì đây là những trường hợp đặc biệt không thể thoát nghèo được. Tuy nhiên, một số địa phương có hình thức chuyển những hộ này sang đối tượng bảo trợ xã hội, cho nên cũng có thể kéo giảm tỷ lệ nghèo này xuống.

Vấn đề, là có những hộ nghèo thiệt, địa phương ai cũng biết, nhưng vướng vào tiêu chí các dịch vụ cơ bản như: có đủ một số vật dùng thiết yếu trong nhà là không được xếp vào hộ nghèo.

Ngược lại, có những gia đình thu nhập ổn định, nhưng nhà cửa hổng có gì thì lại “đạt” hộ nghèo. Mà dân mình cũng nhiều người có suy nghĩ lạ lắm, vẫn cứ thích... nghèo, để được hưởng một số chế độ ưu đãi.

Trong khi có những cặp vợ chồng cao tuổi, chống gậy đến ủy ban xã trân trọng cám ơn chính quyền và xin được trả lại sổ hộ nghèo; thì ngược lại có những người mạnh khỏe, đầy đủ sức lao động, vẫn tìm cách để chưa được thoát nghèo. Bà con gọi đây là những hộ “dám nghèo”.

Có thể gọi đây là những người đã “ăn cắp” công khai vào chế độ, tiêu chuẩn của một số hộ khó khăn thực sự khác trong xã hội.

Cho nên, bà con nông thôn chúng tôi thiết nghĩ, khi đánh giá hộ nghèo đương nhiên phải bám sát theo các tiêu chí, nhưng có những trường hợp đặc biệt, nên lấy theo ý kiến công khai của người dân địa phương, mạnh dạn chấp nhận những trường hợp ngoại lệ mà không đáp ứng đúng các tiêu chí đánh giá của Trung ương.

Có vậy, chúng ta mới không bỏ sót những hộ nghèo thật sự và loại bỏ những đối tượng cố tình không muốn thoát chữ “nghèo”.

Hailua@.com