Đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy để bảo vệ chính mình

Cập nhật, 07:15, Thứ Tư, 23/03/2016 (GMT+7)

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 15.870 phương tiện vận tải đường thủy nội địa thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm. Trong đó có trên 13.000 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm, số còn lại chưa thực hiện đăng ký đăng kiểm.

Hai ghe “mình không

Tại Trạm Cảnh sát đường thủy Tam Bình (Phòng Cảnh sát đường thủy- Công an tỉnh), chúng tôi ghi nhận được công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa của các anh cảnh sát đường thủy.

Trong buổi sáng, có hơn chục phương tiện được kiểm tra, trong đó có 2 phương tiện giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn, 2 phương tiện “mình không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không chứng chỉ chuyên môn), còn lại đa số phương tiện chở quá tải.

Nói về hành vi chở quá tải, chị Tô Ngọc Nhi (Long Phú- Sóc Trăng), chủ ghe tải số đăng ký ST 2021H cho biết: Ghe chị chuyên chở lúa đi đường xa từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Khi ghe chở quá mớn nước quy định của đăng kiểm cũng biết là quá tải. Tuy nhiên, nếu chở đúng quy định theo giấy đăng kiểm thì không có lời, vì vận chuyển đường xa, chi phí cao.

"Biết vượt tải trọng cho phép là vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy và cũng nguy hiểm khi đi sông lớn gặp lúc mưa giông. Vì vậy, tui chở cũng có giới hạn, chỉ vượt khoảng 10- 15% hà".

Anh Lê Văn Tiếp (Tân An- Long An), là chủ ghe cho biết, không đăng ký đăng kiểm và điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn. Anh nói: Ở Long An chở mía từ ruộng đến lò, đi trong lạch nhỏ, hiếm khi gặp cơ quan chức năng kiểm tra, vì vậy nên không để ý chuyện đăng ký, đăng kiểm.

Còn về chứng chỉ chuyên môn, anh Tiếp cho biết, do đi trong lạch nhỏ, ghe nhà từ trước tới nay điều khiển cũng quen tay, nên không cần đi học, với lại cũng không có thời gian học và cũng không biết học ở đâu. Biết phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm và khi điều khiển cũng cần có chứng chỉ chuyên môn, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, quanh năm quần quật làm ăn rồi không để ý tới.

Anh Mã Minh Tài (Bình Tân- Vĩnh Long) cho biết: Gia đình khó khăn, đi đó đi đây làm mướn nuôi con. Bản thân biết lái ghe, nên chủ ghe ở Long An giao đi chở mía vòng vòng khu vực Bến Lức (Long An).

Cảnh sát đường thủy tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho các chủ phương tiện, người lái, đồng thời giáo dục, nhắc nhở họ thực hiện đúng quy định để bảo vệ chính mình.
Cảnh sát đường thủy tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho các chủ phương tiện, người lái, đồng thời giáo dục, nhắc nhở họ thực hiện đúng quy định để bảo vệ chính mình.

Bản thân nhà nghèo, ít học nên không đi học lấy chứng chỉ chuyên môn, chỉ điều khiển phương tiện theo kinh nghiệm bản thân. Bình thường cũng ít chạy ghe đi xa, chỉ đi quanh quẩn khu vực Bến Lức.

Thiếu tá Huỳnh Thanh Phong cho biết: Theo quy định, phương tiện vận tải từ 5 tấn trở lên phải đăng ký, đăng kiểm và khi điều khiển phương tiện phải có bằng thuyền trưởng từ hạng 3 trở lên, theo từng loại phương tiện có tải trọng lớn nhỏ.

Trung tá Phạm Văn Nghề- Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Tam Bình cho biết: Theo quy định, chỉ dừng kiểm tra phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Vì vậy tuyến sông Măng Thít tuy phương tiện qua lại nhiều, nhưng mỗi ngày chỉ kiểm tra khoảng 30 phương tiện. Tất cả các phương tiện khi kiểm tra đều có vi phạm, trong đó vi phạm về chở quá tải trọng cho phép chiếm đa số, số còn lại là vi phạm về phương tiện cứu hộ và giấy chứng nhận đăng kiểm hết hạn.

Thượng tá Nguyễn Văn Sáu- Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy- Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: Theo thống kê toàn tỉnh có trên 15.870 phương tiện vận tải đường thủy nội địa thuộc diện đăng ký, đăng kiểm.

Trong đó có trên 14.000 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm, còn lại khoảng 1.000- 2.000 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm.

Hầu hết những phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm là của nông dân dùng chở hàng nông sản của chính mình và phương tiện cũng chỉ từ 20 tấn trở xuống; với những phương tiện này hoạt động cũng không thường xuyên, chỉ theo mùa vụ của gia đình.

Tuy nhiên, các loại phương tiện này muốn tham gia giao thông trên đường thủy nội địa cần phải đăng ký, đăng kiểm đúng quy định. Qua đó, Trung tá Sáu nhắc nhở: "Khi mua sắm phương tiện đã qua sử dụng cần xác định rõ nguồn gốc phương tiện.

Các chủ phương tiện cần đến Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long để được hướng dẫn thủ tục đăng ký chủ sở hữu phương tiện, cũng như được hướng dẫn đăng kiểm. Chủ phương tiện đăng ký sở hữu phương tiện là bảo vệ tài sản của chính mình, khi xảy ra trộm cắp tài sản, cơ quan chức năng có căn cứ để xác minh, truy tìm phương tiện cho chủ phương tiện.

Đồng thời, cần đăng kiểm đúng quy định và điều khiển phương tiện cần có chứng chỉ chuyên môn để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Đối với phương tiện không đăng ký đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, khi xảy ra TNGT đường thủy nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Bài, ảnh: HÙNG HẬU