Nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia phải tập trung hết cho đối tượng thụ hưởng

Cập nhật, 10:13, Thứ Năm, 05/11/2015 (GMT+7)

Chiều 4/11, trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, phóng viên Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội đóng góp cho vấn đề này. 

* Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):

Tôi đề nghị nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia phải tập trung hết cho đối tượng thụ hưởng, các chi phí gián tiếp phải giảm đến mức tối đa, nhất là chi phí quản lý, của ban chỉ đạo các cấp. Nguồn vốn phân bổ thì Trung ương nên xác định cụ thể, rõ ràng và nên phân cấp cho địa phương có nguồn vốn đối ứng để thực hiện lồng ghép các chương trình khác ở địa phương mình.

Chúng ta biết rằng, nguồn vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ là nguồn vốn mồi, cần phải huy động nguồn ngân sách của địa phương cũng như huy động các nguồn của cộng đồng xã hội, các nguồn khác để tổ chức thực hiện.

Do vậy, thời điểm thông báo vốn nên thông báo đồng thời với các chỉ tiêu kinh tế- xã hội để HĐND địa phương xem xét ra nghị quyết vì nó liên quan đến phân bổ nguồn lực, lồng ghép các chương trình.  Về nguồn lực, việc gom từ 16 chương trình còn 2 chương trình không có nghĩa là cắt giảm kinh phí, tôi đề nghị nguồn kinh phí của của 2 chương trình ít nhất bằng 16 chương trình trước đây.

* Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đơn vị tỉnh Trà Vinh):

Theo quan điểm của tôi, thời gian qua Chính phủ đã triển khai thực hiện 16 chương trình mục tiêu Quốc gia đã đem lại nhiều hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đối với 16 chương trình trước đây cũng có những chương trình trùng lắp với nhau và khi triển khai thì hiệu quả mang lại không cao, làm phân tán nguồn lực nhà nước.

Để đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, Quốc hội đã gom 16 chương trình thành 2 chương trình là giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới theo tôi là rất hợp lý. Về phân bổ nguồn lực cho 2 chương trình này, tôi đề nghị không nên phân bổ đồng đều giữ các địa phương mà dựa trên mức độ khó khăn của từng địa phương để phân bổ, trong đó chú ý đến những vùng trũng, vùng khó khăn thì nên phân bổ nhiều hơn để đảm bảo mức sống, điều kiện phát triển kinh tế hạ tầng nơi đó ngang bằng với mức bình quân cả nước.

THANH TÂM (ghi)