Mừng một năm mưa thuận gió hòa...

Cập nhật, 06:57, Thứ Tư, 31/12/2014 (GMT+7)


Phát triển giao thông liên kết chặt chẽ với thủy lợi ứng phó có hiệu quả lũ lụt nhằm bảo vệ sản xuất.

Năm 2014 sắp qua đi, nhìn lại ảnh hưởng của thiên tai so với những năm trước đây trên địa bàn tỉnh có thể đánh giá năm 2014 là năm thuận lợi hơn nhiều, bởi hạn, mặn không xảy ra trên diện rộng, lũ lụt thấp hơn năm ngoái, bão- áp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng trực tiếp... rủi ro đến sản xuất và đời sống nhân dân giảm hẳn!

Nguồn nước cấp thuận lợi hơn năm ngoái

Nhiệt độ trung bình năm đạt 27,40C (thấp hơn so với năm ngoái 1,10C), cao nhất: 35,80C (thấp hơn khoảng 0,50C), thấp nhất: 18,70C (thấp hơn khoảng 0,230C).

Đặc biệt, trong 3 tháng cao điểm của mùa khô, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh nên nền nhiệt các nơi trong tỉnh xuống rất thấp. Tháng 1, tháng 2, nhiệt độ trung bình, cao nhất, thấp nhất tháng đều xuống rất thấp và đạt thấp nhất so với cùng thời kỳ.

Mùa mưa năm nay chính thức bắt đầu vào giữa tháng 5, xấp xỉ và trễ hơn trung bình nhiều năm (TBNN) một ít.

Trong 3 tháng đầu năm, các nơi trong tỉnh hầu như không xuất hiện mưa trái mùa. Đây là năm đặc biệt nhất trong hơn 10 năm nay. Tháng 4, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 cơn mưa trái mùa, lượng mưa khá lớn (từ ngày 10 đến 16/4 đạt 81mm), góp phần cải thiện đáng kể nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Tổng lượng mưa năm cao hơn so năm ngoái từ 83- 416mm.

Trong suốt mùa khô năm 2013- 2014, mực nước các trạm dọc sông Mekong từ thượng lưu đến khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đều cao hơn TBNN, trong đó các trạm khu vực trung và thượng lưu ở mức cao hơn mực nước cao nhất cùng thời kỳ từ 0,8- 1,2m.
 
Đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước chịu ảnh hưởng của thủy triều và có xu hướng giảm dần song vẫn còn cao hơn TBNN từ 0,1- 0,2m và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2012- 2013 khoảng 0,25m- 0,35m; mực nước thấp nhất tháng cũng cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,15m- 0,20m.

Trên địa bàn tỉnh, theo Trung tâm Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long: Mực nước trung bình các tháng đầu năm 2014 tại Mỹ Thuận xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Đặc biệt mực nước cao nhất tháng 1, tháng 2 đạt cao nhất cùng thời kỳ trong dãy số liệu nhiều năm. Mực nước cao nhất tại Mỹ Thuận là 1,64m (xuất hiện ngày 2, 3 tháng 1).

Trong tháng 5 (tháng kiệt nhất trong mùa khô), mực nước đỉnh triều đạt từ 1,10m- 1,14m trong kỳ triều cao, và từ 1,07m- 1,10m trong kỳ triều kém.

Tại cống Cái Hóp (sông Cổ Chiên), trong những tháng kiệt nhất của mùa khô (tháng 4, tháng 5, nhằm tháng 3 tháng 4 âl), mực nước cao nhất ở ngoài cống vào các đợt triều cao (vào 30 hay rằm tháng 3, tháng 4 âl) đạt ở mức khá cao từ 1,4- 1,6m, mực nước cao nhất trong các đợt triều kém cũng ở mức cao từ 0,8-1,2m.

Điều này giúp nhiều nơi trong tỉnh lợi dụng thủy triều để tưới tự chảy. Đây là năm được nhiều nơi, nhất là ở 2 huyện cuối nguồn Vũng Liêm, Trà Ôn đánh giá là năm nguồn nước tưới tự chảy trong mùa khô thuận lợi hơn nhiều so với mùa khô năm ngoái và cả trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Dòng chảy và mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vào mùa khô khá lớn là một trong những nguyên nhân làm cho độ mặn ở hạ nguồn thấp hơn so với năm ngoái và so với nhiều năm.

Phía sông Cổ Chiên, tại cống Cái Hóp (địa phận Càng Long, Trà Vinh) có 3 đợt độ mặn lên cao là 2,6
0/00 (phần ngàn) xuất hiện ngày 12/4, 2,40/00 (xuất hiện ngày 10/5) và 5,60/00 (xuất hiện ngày 10/6, so với độ mặn lớn nhất năm ngoái thấp hơn 1,90/00); tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm), độ mặn đo được 2,10/00 (so năm ngoái thấp hơn 3,90/00) và tại vàm Vũng Liêm là 1,40/00 (so năm ngoái thấp hơn 3,60/00).

Các thời điểm còn lại đều dưới 1
0/00. Độ mặn trên sông Hậu, đoạn xã Tích Thiện (Trà Ôn) hầu như đạt 00/00 trong suốt mùa khô.

Trong mùa lũ, duy nhất kỳ triều cường vào đầu tháng 10 (rằm tháng 9 âl) mực nước sông, rạch lên cao trên mức báo động III, thấp hơn mực nước cao nhất năm ngoái một ít, các kỳ triều khác đều thấp, xấp xỉ mức báo động II.

Mực nước cao nhất xuất hiện vào kỳ triều cường đầu tháng 10 (rằm tháng 9 âl). Trên sông chính, tại trạm thủy văn Mỹ Thuận (sông Tiền) đạt 1,96m (thấp hơn năm ngoái 0,07m), tại Cần Thơ (sông Hậu) đạt 2,08m (thấp hơn năm ngoái 0,07m).
 
Trong nội đồng, tại Phú Đức (Long Hồ) lên mức 1,92m (tương đương năm ngoái), tại Vũng Liêm đạt 1,71m (thấp hơn năm ngoái 0,08m), tại Nhà Đài (Vũng Liêm): 1,75m (thấp hơn năm ngoái 0,06m), trạm Tân Thành (Bình Tân) đạt 1,7m (thấp hơn năm ngoái 0,06m), duy nhất tại Ba Càng (Tam Bình) lên mức 1,77m (cao hơn năm ngoái 0,05m).

Trong năm, xuất hiện 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến Vĩnh Long.

Thiệt hại giảm hẳn

Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm trên địa bàn tỉnh gần 12,4 tỷ đồng (thấp hơn năm ngoái khoảng 100 triệu đồng), so với năm lũ lớn 2011 thiệt hại trên 240 tỷ đồng. Các loại thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nhất đến Vĩnh Long là giông- lốc xoáy, triều cường và sạt lở bờ sông.

Giông, lốc xoáy làm hư hỏng 185 căn nhà, làm gãy 3 trụ điện hạ thế, làm xiêu vẹo 4 trụ trung thế, 7 trụ điện hạ thế và 12 trụ điện thoại, và làm bị thương 1 người. Có 101,9ha hoa màu (chủ yếu là dưa hấu đến kỳ thu hoạch) bị hư hại tại các huyện: Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn. Thiệt hại do giông, lốc ước tính là 9,1 tỷ đồng.

2 đợt triều cường vào giữa tháng 8 (rằm tháng 7 âl) và vào đầu tháng 10 (rằm tháng 9 âl) đã làm thiệt hại trên 2 tỷ đồng (thấp hơn 7,564 tỷ đồng so với năm 2013). Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là 1,665 tỷ đồng (có 20ha lúa Thu Đông, 27,7ha rau màu, 993,5ha vườn cây ăn trái bị ngập);

thiệt hại về công trình thủy lợi là 395,5 triệu đồng (có 97 tuyến đê bao bị tràn, 10 tuyến đê bao bị sạt lở, 59 đập bị tràn, 33 đập bị sạt lở); thiệt hại về giao thông là 170 triệu đồng (có 17,15km đường quốc lộ, Đường tỉnh bị ngập, 109,72km đường đan bị ngập, 2,22km đường nhựa bị ngập)...          

Trong năm, đã xảy ra 6 điểm sạt lở bờ sông, bờ kinh trong nội đồng và sông chính tại các huyện Mang Thít, Long Hồ và TP Vĩnh Long, làm mất gần 250m bờ sông, đê bao và đường đi, ảnh hưởng đến 7 hộ dân, chìm 2 bè lồng nuôi thủy sản, bị thương 2 người và chết đuối 1 trẻ em.

Ước thiệt hại đến 919,5 triệu đồng. 6 vụ sạt lở là: Trên sông Tiền có vụ sạt lở bờ sông tại ấp Tân Hưng (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long), dài 30m xảy ra vào tháng 4/2014; trên sông Cổ Chiên có vụ sạt lở bờ sông ở ấp Bình Lương (xã An Bình- Long Hồ), dài 50m vào tháng 1/2014, vụ sạt lở tại Khóm 6 (Phường 5- TP Vĩnh Long), dài 15m vào tháng 3.

Trong nội đồng có vụ sạt lở bờ sông Ông Me Lớn (xã Phước Hậu- Long Hồ) làm mất 35m đường liên ấp; vụ sạt lở bờ sông Long Hồ (xã Long Mỹ- Mang Thít) làm mất 30m bờ bao; vụ sạt lở bờ bao ven kinh Bờ Tràm (xã Phú Quới- Long Hồ) xảy ra vào trung tuần tháng 7 làm mất 4 đoạn đê bao dài 103m. Loại thiên tai này vẫn còn tiềm ẩn gây tổn thất về tài sản, tính mạng con người ở vùng ven sông.

Ngoài yếu tố khí tượng thủy văn thuận lợi, việc chủ động phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống của các cấp chính quyền, của ngành chức năng và những nỗ lực không ngừng của nhân dân, góp phần tạo thành quả trong giảm nhẹ thiên tai trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG