Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” (16/11/2014)

Đừng để chết vì tai nạn giao thông!

Cập nhật, 07:32, Chủ Nhật, 16/11/2014 (GMT+7)

Không ai muốn để mọi người phải tưởng niệm mình, nhưng trong thực tế hàng ngày, ý thức và hành vi xử lý kém của người tham gia giao thông ở nước ta dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) vẫn chưa có hồi kết.

Số vụ TNGT ở từng địa phương cũng như cả nước, mà nhất là các vụ TNGT nghiêm trọng được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa trên các trang mạng xã hội ngày cứ dài thêm. Người nghe, người xem càng lúc cảm thấy bất an, xót dạ, đau lòng.


Bất chấp nguy hiểm tính mạng, nhiều người vẫn thích đâu chạy đó.

Ý thức kém- tai nạn tăng

Thử mở vài trang mạng mà xem: “Xe khách Bắc- Nam đấu đầu xe tải, 11 người nhập viện; Tai nạn tàu hỏa, 9 người thương vong; Tai nạn giao thông nghiêm trọng, hàng chục người thương vong; Xe tải gây tai nạn liên hoàn, 1 người chết, 3 người bị thương; Tai nạn giao thông nghiêm trọng, 4 người chết tại chỗ; Em gái bị ôtô cán lòi xương, chị nhờ dân mạng truy tìm thủ phạm; Tài xế xe “điên” kéo lê thai phụ hơn 30m;…

Theo tổng hợp chưa đầy đủ của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, qua 10 tháng của năm 2014, cả nước đã xảy ra trên 20.800 vụ TNGT, làm 7.475 người chết, gần 20.000 người bị thương. Có 65% số vụ TNGT do xe máy gây ra.

Như vậy, tính trung bình cả nước mỗi ngày phải đối mặt với 76 vụ TNGT, có 27 người chết, 73 người bị thương. Trong số người bị thương dẫn đến tử vong sau đó, và nhiều vụ va chạm chưa chết người vẫn chưa được thống kê hết.

Ủy ban ATGT quốc gia cũng chỉ ra 14 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 5 tỉnh tăng từ 25% trở lên là Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc. Riêng Vĩnh Long trong 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 127 người chết do TNGT, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2013.

TNGT tăng, TNGT nghiêm trọng nguyên nhân đều xuất phát từ con người, ý thức chấp hành luật giao thông của mỗi người hiện còn rất kém. Nhiều người tham gia giao thông hiện nay còn xem nhẹ tính mạng của chính mình và cả nhiều người khác. Bởi còn rất nhiều người nghĩ “đường chỉ mình ta đi, xe chỉ mình ta chạy”.

Ý thức kém của người tham gia giao thông được thể hiện như:

Dẫu biết đi sai luật là nguy hiểm đến tính mạng mình, nhưng không ít người vẫn thản nhiên chạy một cách tùy tiện không theo một quy tắc nào, thích đâu chạy đó, chỗ nào gần là họ băng qua, bất chấp biển cấm, đường ngược chiều hay chỗ quá đông xe họ đều cố vượt lên cho bằng được,… và cuối cùng là bất chấp cả tính mạng của chính mình. Tình hình này chậm được khắc phục, số vụ TNGT còn lâu lắm mới có thể bị đẩy lùi.

Buôn bán chiếm cả vỉa hè ven Quốc lộ 1 tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Nhiều nguyên nhân vi phạm luật dẫn đến TNGT được ngành chức năng thống kê như: xe chở quá số người quy định, không làm chủ tốc độ, không quan sát, chạy lấn tuyến, tránh vượt sai, dừng đỗ không đúng quy định, người có nồng độ cồn do đã uống rượu- bia tham gia giao thông… và thậm chí không biết sử dụng phương tiện vẫn “được cấp giấy phép” lái xe.

Thể hiện rõ ở một số người lái ôtô gặp sự cố, chân không đạp thắng mà lại nhấn ga; nhiều người chạy môtô lưu thông trên đường muốn rẽ phải, sang trái không màng phát tín hiệu, dẫn đến va chạm và gây TNGT thường xuyên, nhưng hành vi này hầu như chưa ai bị lực lượng chức năng xử phạt để họ nhớ.

Gánh nặng tàn phế…

Cám cảnh trước hàng chục ngàn trường hợp bị TNGT, để lại hàng ngàn người tàn phế, không ít người chỉ còn lại với đời sống thực vật. Hệ lụy của nó còn đau khổ hơn bội phần so với những người đã chết vì TNGT.

Họ mất đi còn được ân huệ từ nhiều phía và có cả những người tham gia tưởng niệm họ hôm nay. Dù biết rằng không gì có thể bù đắp được đối với sinh mạng con người, nhưng thời gian dần sẽ làm vơi đi nỗi đau cho bao người thân ở lại.

Còn người không may tàn phế mới là thảm họa của cả gia đình họ và cộng đồng xã hội phải gánh lấy. Nếu người tử nạn được xã hội quan tâm trợ giúp một phần, thì người tàn phế vì TNGT cần phải được giúp mười lần nhiều hơn.

Bởi hầu hết trong những người bị TNGT là trụ cột trong mỗi gia đình. Một khi họ bị tàn phế thường để lại hậu quả không lường, ngoài thiệt hại về phương tiện vật chất, thuốc thang chữa trị, thời gian, tiền của, người thân còn lại phải đối mặt với biết bao tổn thất tinh thần vì ngày ngày phải tập trung chăm sóc cho một phế nhân mà không còn hy vọng, tương lai.

Nếu được chứng kiến trước những cảnh tượng cả gia đình chăm nom cho một người tàn phế hỏi ai không thể xót lòng mà thầm thốt lên rằng “thà chết cho nó khỏe hơn!”

Để giảm xảy ra TNGT, vơi đi những nỗi đau từ TNGT, mong rằng mỗi người tham gia giao thông phải luôn thể hiện đức tính khiêm nhường, chấp hành nghiêm các quy tắc và Luật Giao thông đường bộ, để bảo toàn tính mạng cho chính mình cùng nhiều người khác, đừng để mọi người phải tưởng niệm mình!

Trên thực tế, số phương tiện và người tham gia giao thông mỗi ngày không ngừng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp, nên phải thừa nhận rằng, việc kiềm chế số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT quả là một cố gắng lớn của các ngành và lực lượng chức năng.


Bài, ảnh: TRẦN NHIÊN