Hoạt động công chứng phi lợi nhuận là không thực tế

Cập nhật, 17:26, Thứ Sáu, 30/05/2014 (GMT+7)


Nên cho các tổ chức hành nghề công chứng tham gia song hành với các cơ quan hành chính trong hoạt động công chứng.

Đóng góp cho một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, còn nhiều vấn đề cần phải chỉnh lý cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm là quy định về nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận của phòng công chứng, việc chuyển nhượng văn phòng công chứng và phạm vi hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng…

* Quy định phi lợi nhuận là phi thực tế

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đơn vị TP Đà Nẵng) cho rằng, về nguyên tắc hành nghề công chứng tại Khoản 3, Điều 4 quy định bổ sung một nguyên tắc mới trong hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận.

Thực tế giám sát hoạt động công chứng trong những năm qua cho thấy kể từ khi xã hội hóa công chứng thì lĩnh vực này có sự cạnh tranh gay gắt. Trong thực tiễn, muốn thành lập được một văn phòng công chứng là cực kỳ khó khăn, do đó nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận chỉ phù hợp với mô hình phòng công chứng do Nhà nước bao cấp.  

Cũng theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, hiện nay các văn phòng công chứng đều tập trung nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trụ sở bằng nguồn tiền của họ, chứ không phải dùng ngân sách nhà nước.

Do đó, nếu chúng ta đưa nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận vào luật thì các văn phòng công chứng vẫn phải tìm mọi cách để hoạt động, vẫn tìm cách thu hút khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh như một doanh nghiệp kinh doanh với mục đích cuối cùng là tìm lợi nhuận ở mức độ cao nhất có thể. Như vậy, việc đưa nguyên tắc vào luật cũng chỉ mang tính  hình thức, không phù hợp với thực tế.  

Đồng tình, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đơn vị tỉnh Bình Phước) cho rằng, nếu không vì lợi nhuận thì không ai bỏ vốn ra đầu tư.

Hơn nữa, trong dự thảo luật cũng đã thừa nhận công chứng là một loại dịch vụ, đã là cung cấp dịch vụ thì lợi nhuận luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Do vậy, nếu Luật Công chứng coi công chứng là một loại hình dịch vụ phi lợi nhuận thì tôi chắc chắn rằng không ai bỏ vốn ra để thành lập các văn phòng công chứng.

* Luật không nên mở một cách nửa vời

Đóng góp quy định về phạm vi công chứng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đơn vị tỉnh Ninh Thuận) đề nghị Luật Công chứng (sửa đổi) không nên mở một cách nửa vời theo hướng chỉ cho phép công chứng viên thực hiện các bản sao và chữ ký có liên quan đến hợp đồng giao dịch mà mình đã và đang thực hiện.

Ví dụ một người cần sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để công chứng việc công nhận di sản thừa kế, khi người đó yêu cầu chứng nhận luôn các giấy tờ như bằng tốt nghiệp, học bạ, thì công chứng viên từ chối, vì các bản sao này không phục vụ cho hợp đồng giao dịch tại công chứng và người dân phải đến UBND cấp xã để xin chứng nhận bản sao tài liệu.

Tôi đề nghị không nên hạn chế thẩm quyền của công chứng viên, văn phòng công chứng, không việc gì chúng ta cứ phải làm luật theo kiểu xã hội hóa nhỏ giọt, mỗi lần sửa luật lại xã hội hóa một ít.

Nên cho các tổ chức hành nghề công chứng tham gia vào việc chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký của cá nhân… song hành với các cơ quan hành chính sẽ góp phần giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước.  

Đại biểu Tô Văn Tám (đơn vị tỉnh Kon Tum) đề nghị, về chuyển nhượng văn phòng công chứng quy định tại Điều 29, phải quy định chặt chẽ để tránh tình trạng thành lập văn phòng công chứng rồi bán để thu lợi.

Luật quy định công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 5 năm.
 
Nhưng luật chưa có quy định lập được bao lâu thì mới được chuyển nhượng, như thế là chưa ngăn chặn triệt để việc lập văn phòng công chứng với mục đích để bán. Bởi vậy, tôi đề nghị nên quy định là sau khi thành lập văn phòng công chứng được 2 năm thì mới được chuyển nhượng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề nghị, quy định về đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng cần phải xem lại.

Chẳng hạn,  tại tại Khoản 1 Điều 10, quy định trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng đối với kiểm sát viên, điều tra viên là không hợp lý, bởi hoạt động công chứng rất rộng trên các lĩnh vực như hôn nhân, dân sự, đất đai, thừa kế, nhất là các kiểm sát viên, trong khi các điều tra viên chuyên làm về hình sự không thể đáp ứng được yêu cầu về công tác công chứng. Do vậy, đề nghị không nên quy định miễn đào tạo cho các trường hợp này.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị không nên quy định giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng; công chứng viên không được đồng thời tham gia thành lập hoặc tổ chức hoạt động tại hai tổ chức hành nghề công chứng; thẩm quyền bổ nhiệm công chứng viên phải là chủ tịch UBND tỉnh.

Rất nhiều đại biểu đồng tình cần loại bỏ quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm nội dung bản dịch vì không phù hợp với thực tế.

Hiện nay, không phải công chứng viên nào cũng biết hết tất cả các ngoại ngữ nên tất yếu cũng không biết bản dịch là đúng hay sai về nội dung. Chúng ta biết rõ điều này mà vẫn quy định buộc công chứng viên phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà họ không được biết là điều hoàn toàn không tưởng.

Bài, ảnh: THANH TÂM