Sạt lở đất đe dọa Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia

Cập nhật, 07:02, Thứ Ba, 29/04/2014 (GMT+7)


Tình trạng sạt lở làm rạn nứt bờ kè bảo vệ khu di tích.

Chùa Phước Hậu (ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994. Nhưng gần đây, tình trạng sạt lở đất ăn sâu vào bờ đe dọa đến khu di tích và một số người dân sống lân cận.

Chùa Phước Hậu nằm ven sông Hậu đoạn gần chợ nổi Trà Ôn. Gần đây, chùa Phước Hậu và người dân sinh sống ven sông cảm thấy bất an khi tình trạng sạt lở lấn sâu vào bờ.

Theo các vị sư chùa Phước Hậu, tình trạng sạt lở trên là do nạn khai thác cát sông. Trên đoạn sông này, có 2 doanh nghiệp khai thác cát ngày lẫn đêm kéo dài nhiều năm liền (sau này, còn một doanh nghiệp khai thác).

Người dân địa phương cho biết: Trước đây khu vực này có bãi bồi ra rất xa, nước cạn có thể lội qua sông. Từ khi có khai thác cát, 2 bên bờ bắt đầu sạt lở nghiêm trọng, nhất là phía bên chùa Phước Hậu.

Ban ngày, họ khai thác cát giữa sông, tối đến thì tiến dần vào sát bờ, mặc cho người dân phản đối. Bà Trương Thanh Bạch nhà ở gần chùa, sạt lở đang đe dọa căn nhà. Bà chỉ tay ra phía sông bức xúc: “2 cây dừa đã ngã xuống sông mất tiêu rồi.

Tình trạng khai thác cát cứ tiếp diễn, không có biện pháp ngăn chặn thì căn nhà và bờ kè của chùa Phước Hậu không sớm thì muộn cũng sụp xuống sông luôn”.


Xà lan khai thác cát dời ra nhưng còn lảng vảng gần khu di tích.

Năm 2010, chùa Phước Hậu xây dựng bờ kè dài khoảng 200m, trị giá hơn 3 tỷ đồng để bảo vệ khu di tích. Tuy nhiên, hiện nay ở đoạn giữa, sạt lở khoét vào trong, sâu gần 1,5m. Ở phía trên đã có dấu vết rạn nứt, có thể sụp bất cứ lúc nào.

Ông Trần Minh Sơn- Trưởng Ban quản lý di tích bức xúc: “Mỗi ngày có 2 xà lan khai thác hàng ngàn khối cát trên đoạn sông này. Ban ngày, họ khai thác cát ở ngoài sông, đêm dời vào, chỉ vài chục mét là tới bờ của chùa. Chính quyền xã đến thì chúng nhổ neo dời ra xa và vài ngày sau thì lại tái diễn”.

Thượng tọa Thích Phước Cần- trụ trì chùa Phước Hậu cho biết: “Xà lan khai thác gần bờ không những gây sạt lở mà còn gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến việc tu học của các sư sãi và đặc biệt lúc tọa thiền rất cần sự yên tịnh”.

Sư Thích Phước Đệ tu tại chùa Phước Hậu là người ở địa phương cho biết thêm: “Xà lan khai thác riết, bây giờ sạt lở rất sâu. Ở trên bờ, những căn hầm bí mật của các vị lãnh đạo cách mạng trong thời kháng chiến cũng bị sạt gần hết…”

Tình trạng sạt lở đang đe dọa đến Khu di tích lịch sử quốc gia chùa Phước Hậu. Ngành chức năng cấp tỉnh, huyện đã có nhiều đoàn đến khảo sát tìm giải pháp khắc phục, nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức.

Hiện tại, xà lan khai cát đã dời ra nhưng cũng không xa khu vực chùa Phước Hậu. Nhiều người dân vẫn hoài nghi họ sẽ quay lại khai thác cát gần chùa Phước Hậu, bởi chuyện này cũng từng xảy ra.

Chùa Phước Hậu và người dân khu vực này rất mong ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu bảo vệ Khu di tích lịch sử quốc gia.

Mỏ cát trên sông Hậu đoạn gần chùa Phước Hậu được UBND tỉnh cấp giấy phép cho DNTN Lan Anh khai thác. Trong cuộc họp, khảo sát tình hình sạt lở ảnh hưởng Khu Di tích lịch sử quốc gia chùa Phước Hậu, đại diện Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, chưa xác định DNTN Lan Anh khai thác cát làm sạt lở, đe dọa đến di tích. Sắp tới, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện DNTN Lan Anh khai thác sai vị trí, gần Khu Di tích lịch sử quốc gia chùa Phước Hậu sẽ tiến hành lập biên bản, xử lý theo pháp luật.

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG