SAU KỲ TRIỀU CƯỜNG THÁNG 10

Nhìn lại hệ thống công trình kiểm soát lũ

Cập nhật, 07:18, Thứ Tư, 13/11/2013 (GMT+7)


Nhiều công trình bờ bao, đập thủy lợi được nâng cấp, tu sửa lại sau lũ nhằm ổn định sản xuất.

Trong kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch (giữa tháng 10/2013), mực nước sông, rạch trong tỉnh lên tương đương đỉnh lũ năm 2011- năm được xem là năm lũ lớn xảy ra ở ĐBSCL. Một lần nữa, năng lực ngăn lũ, triều cường của hệ thống công trình giao thông, thủy lợi bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, dân cư được kiểm chứng sau 2 năm lũ lớn xảy ra.

Gần 1/10 số bờ bao thủy lợi bị tràn

Số liệu tổng hợp thiệt hại của Chi cục Thủy lợi sau kỳ triều cường nêu trên tại 8 huyện- thị- thành trong tỉnh là trên 8 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về giao thông 414 triệu đồng, về thủy lợi: 1,956 tỷ đồng...

Có 3,312km đường giao thông bị sạt lở trong tổng số 287km đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đan nông thôn bị tràn; 65 tuyến bờ bao bị sạt lở, bể bờ (dài 1,2km) trong tổng số 220 đoạn bờ bao bị tràn (dài 215,74km); 121 đập bị bể, bị sạt lở (dài 1,75km) trong tổng số 134 đập bị tràn (dài 2,1km)...

Tuy các phương tiện truyền thông đánh giá số lượng bờ bao bị ngập, bị tràn là “nhiều” nhưng so với tổng số công trình bờ bao, đê bao hiện trạng trong tỉnh chỉ chiếm gần 1/10 chiều dài (tức 217,8km bờ bao, đập trong tổng số bờ bao chống lũ hiện trạng là 3.600km).
 
Diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập, bị thiệt hại cũng ít hơn so với 3 năm lũ lớn 2000- 2002 và năm lũ lớn 2011.

Cụ thể: Năm 2000 thiệt hại do lũ trong toàn tỉnh là 168,7 tỷ đồng (giá trị năm 2000) (thiệt hại về giao thông: 15,2 tỷ đồng, về thủy lợi: 10,2 tỷ đồng), 15.557ha lúa Thu Đông và 14.601ha vườn cây ăn trái bị ngập, 404 đập bị tràn (dài 12.159m), trong đó có 355 đập bị sạt lở.

Năm 2001, lũ, triều cường gây thiệt hại 73 tỷ đồng, toàn tỉnh có 16,99km đường quốc lộ, đường tỉnh, 134km đường huyện, 130km đường giao thông nông thôn, 116,47km bờ bao (gồm 122,09km bị sạt lở), 577 đập bị tràn và 631 đập bị sạt lở, 49.663ha lúa Thu Đông và 9.970ha vườn cây ăn trái bị ngập sâu phổ biến từ 0,3- 1m...

Năm 2002, thiệt hại do lũ trên 85 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về giao thông là 33 tỷ đồng, về công trình thủy lợi là 630 triệu đồng), 346km đường giao thông các loại bị ngập, 207,184km bờ bao bị tràn (trong đó có 16,804km bị sạt lở), 677km đập đất bị tràn (dài 5.629m) và 263 đập bị sạt lở (dài 5.629m), có trên 4.000ha lúa, rau màu và 10.322ha vườn cây ăn trái và nhiều công trình, đường sá, ao hồ khác bị ngập...

Năm 2011, thiệt hại do lũ là 268,2 tỷ đồng (trong đó về giao thông: 47,5 tỷ đồng, về công trình thủy lợi: 58,3 tỷ đồng), có 383,62km đường giao thông các loại bị ngập, 262,8km bờ bao bị tràn (sạt lở: 7.029m), đập bị tràn: 229 đập (dài 3.507m), đập bị bể: 248 đập (dài 2.329m), 1.152ha lúa Thu Đông, 155,5ha lúa Đông Xuân, 1.548ha rau màu, 9.473,67ha vườn cây ăn trái bị ngập...

Liên kết để ứng phó với lũ, triều cường

Thiệt hại vừa qua so với những năm trước là không lớn. Điều đó cho thấy, sự đầu tư của Nhà nước và nhân dân cho công tác phòng, chống lũ lụt có hiệu quả, dù thực tế chưa toàn diện các mặt và thiệt hại vẫn còn. Hệ thống công trình kiểm soát lũ (giao thông, thủy lợi) đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Sau năm lũ lớn 2011, từ vốn ngân sách và vốn nhân dân đóng góp, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ của Trung ương khắc phục hậu quả thiên tai, hàng loạt công trình giao thông thủy lợi được xây dựng, nâng cấp với chuẩn thiết kế cao trình chống lũ mới; bờ bao, các tuyến đường giao thông ven các kinh, rạch phân vùng được thiết kế với cao trình chống lũ từ +2,5m đến +2,7m đã phát huy tác dụng, cùng với số bờ vùng, bờ thửa và đường giao thông trong vùng đê bao đã góp phần giảm đáng kể diện tích bị ngập và thiệt hại so với trước đây.

Vấn đề kết nối giữa công trình giao thông và thủy lợi trong phòng, chống lũ, ngăn triều cường, ứng phó với ảnh hưởng của nước biển dâng đã được nhiều huyện, xã chú trọng, thực hiện. Công trình bờ bao làm đến đâu được láng nhựa, lát đan, rải đá ngay sau đó.
 
Tính kết nối giữa giao thông và thủy lợi đã góp phần giữ vững ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh trong điều kiện tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu- nước biển dâng.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vùng khó khăn trong mùa lũ, bị ngập kéo dài do chưa có hệ thống bờ bao, đường giao thông khép kín. Còn một số nơi chưa thể xây dựng bờ bao, chưa nâng cấp bờ bao, đường giao thông bị xuống cấp, không thể chống lũ do kinh phí hạn chế, giải phóng mặt bằng, do sạt lở...
 
Thực trạng trong đợt triều cường kết hợp lũ vừa qua cũng cho thấy, nhiều tuyến đường đan kết hợp với thủy lợi bị tràn. Sau một thời gian xây dựng thì đến nay cao trình của hệ thống này đã không còn đáp ứng được nhu cầu đảm bảo an toàn cho các vùng sản xuất, nhất là vùng trọng điểm lũ Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ và TP Vĩnh Long.

Điều này có thể thấy ở những nơi có nhu cầu đầu tư xây dựng những tuyến đường giao thông nông thôn trên nền những tuyến bờ bao thủy lợi mà chưa tính đến vấn đề chống tràn, ngăn lũ dài hạn.

Tuy các phương tiện truyền thông đánh giá số lượng bờ bao bị ngập, bị tràn là “nhiều” nhưng so với tổng số công trình bờ bao, đê bao hiện trạng trong tỉnh chỉ chiếm gần 1/10 chiều dài (tức 217,8km bờ bao, đập trong tổng số bờ bao chống lũ hiện trạng là 3.600km). Diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập, bị thiệt hại cũng ít hơn so với 3 năm lũ lớn 2000- 2002 và năm lũ lớn 2011.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG