Nuôi dưỡng và khai thác tốt nguồn thu

Cập nhật, 15:34, Thứ Tư, 31/07/2013 (GMT+7)


Một số ngành nghề có thế mạnh của tỉnh như: sản xuất gạch ngói, đóng tàu, kinh doanh bất động sản... đang gặp khó, đặc biệt là ngành sản xuất gạch truyền thống.

Thu ngân sách 6 tháng đầu được đánh giá nhiều thuận lợi hơn 6 tháng cuối năm, nhưng mức thu ngân sách của tỉnh mới đạt gần 50% kế hoạch năm. Và do vậy, “gánh nặng” dồn hết vào 6 tháng cuối năm. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, ngành thuế còn tăng cường khai thác tốt các nguồn thu “quản lý chưa tới”.

Sản xuất kinh doanh “không khỏe”, nguồn thu ngân sách gặp khó

Phân tích kết quả thu của 1 số khu vực, sắc thuế chủ yếu của Cục Thuế tỉnh cho thấy, tổng thu nội địa 6 tháng đầu năm 2013 đạt 846,7 tỷ đồng, đạt 49,92% kế hoạch pháp lệnh, 48,35% kế hoạch năm 2013 và tăng 25,15% so với cùng kỳ năm 2012.

Cụ thể, khối doanh nghiệp (DN) trung ương chiếm tỷ trọng 12%/tổng nguồn thu, đạt gần 44%. Khối DN Nhà nước địa phương chiếm 20% trong cơ cấu nguồn thu, đạt trên 50%. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 7,82%, đạt trên 45%.

Khu vực thuế công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh (CTNDV NQD) chiếm trên 23,28%, đạt gần 49%, trong đó thuế môn bài thu đạt gần 99%. Thuế TNCN chiếm trên 12%, đạt trên 51%. Các nguồn thu còn lại thu chiếm 25%, trong đó thu từ tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất.

Đánh giá của Cục Thuế, kết quả thu nội địa cơ bản đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 6/15 nguồn thu đạt trên 50% kế hoạch được giao, 4/15 nguồn thu có mức thu đạt từ 45- 50% kế hoạch pháp lệnh.

Tuy nhiên, do tình hình chung của nền kinh tế tỉnh nhà còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN “không khỏe” ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thu. Đó là nhiều DN sản xuất cầm chừng, một số ngừng hoạt động; nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa, khoai lang, đàn bò, heo, thủy sản… sản lượng giảm, nhiều mặt hàng nông sản bán dưới giá thành.

Điều này khiến sản xuất thu hẹp quy mô, tác động trực tiếp đến doanh thu tiêu thụ hàng hóa của các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp liên kết, kéo theo làm giảm mức huy động nộp ngân sách nhà nước.

Mặt khác, lãi suất ngân hàng còn cao, DN khó tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất. Một số ngành nghề có thế mạnh của tỉnh như: sản xuất gạch ngói, đóng tàu, kinh doanh bất động sản... vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, nợ thuế nhà nước tại các DN này chiếm tỷ trọng lớn nhưng kéo dài khó thu.

Việc điều chỉnh bổ sung một loạt chính sách thuế mới trong 6 tháng đầu năm, cũng như chủ trương miễn giảm thuế đã phần nào tác động đến thời gian quản lý thuế, làm giảm số thuế huy động nộp ngân sách nhà nước so với năm 2012.

Để khai thác tốt các nguồn thu

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm được đánh giá nhiều thuận lợi hơn 6 tháng cuối năm, nhưng mức thu ngân sách của tỉnh mới đạt gần 50% kế hoạch năm. Mặt khác, trong cơ cấu nguồn thu lại có những nguồn thu chủ yếu phát sinh trong 6 tháng đầu năm như thuế môn bài, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Và do vậy, “gánh nặng” dồn hết vào 6 tháng cuối năm.

Ông Huỳnh Vân Hải- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, Vĩnh Long đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
 
Cụ thể, thực hiện tốt Nghị quyết số 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu... DN được thụ hưởng về chính sách miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho DN phục hồi, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.

Ngành thuế cũng cho rằng tỷ lệ thu nộp ngân sách chưa đồng đều ở các nguồn thu. Ví dụ một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu nhưng tỷ lệ thu đạt còn thấp, như khu vực: công thương nghiệp ngoài quốc doanh, DN nhà nước trung ương và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh, trong quản lý thuế phương tiện giao thông vận tải; khai thác tài nguyên khoáng sản cát sông; xử lý, đấu tranh, phòng chống DN mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…
 
“Hiện quản lý chưa tới, nên biện pháp tăng thu, bù đắp hụt thu chưa hiệu quả”- ông Huỳnh Vân Hải cho biết.

Chính vì thế, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ DN, bồi dưỡng nguồn thu, thực hiện Nghị quyết 02, ngành thuế đề ra nhiều giải pháp kiên quyết trong quản lý, khai thác nguồn thu. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, rà soát đối tượng DN đăng ký kinh doanh, phát hiện kịp thời những trường hợp không đăng ký thuế.

Tập trung thanh tra- kiểm tra những DN có số lỗ, nợ thuế, hoàn thuế lớn, DN có số thu lớn nhưng có dấu hiệu bất thường. Chú trọng thanh tra- kiểm tra về: chuyển giá, thương mại điện tử, tài nguyên khoáng sản, ngân hàng và giải quyết các vấn đề liên quan đến DN mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Kiên quyết xử lý đối với DN cố ý dây dưa nợ thuế. Chống thất thu trên một số lĩnh vực như: vận tải thủy- bộ, xây dựng có vốn ngoài ngân sách nhà nước và vốn ODA.

Tổng số thuế ảnh hưởng do thực hiện nghị quyết trên địa bàn tỉnh là 180,76 tỷ đồng, cụ thể:

- Gia hạn thuế TNDN: 17,42 tỷ đồng.

- Gia hạn thuế GTGT phát sinh trong tháng 1,2,3/2013: 24,48 tỷ đồng.

- Giảm 50% tiền thuê đất: 1,36 tỷ đồng.

- Gia hạn tiền sử dụng đất: 120,74 tỷ đồng.

- Hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon: 6,09 tỷ đồng.

- Giảm lệ phí trước bạ ôtô theo điểm d, khoản 2, mục I NQ: 5,16 tỷ đồng.

- Giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 20% đối với DN nhỏ và vừa: 5,52 tỷ đồng.

Bài, ảnh: LÝ AN