Dự kiến đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 13:11, Thứ Ba, 04/09/2012 (GMT+7)

Thông báo cuộc họp của Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long ngày 21/8/2012 đặt tên mới cho 11 tuyến đường và đổi tên Bệnh viện Đa khoa huyện Vũng Liêm.

Ngày 21/8/2012, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh đã tổ chức cuộc họp thông qua Dự thảo đề xuất đặt tên mới cho 11 tuyến đường trên địa bàn tỉnh và đổi tên Bệnh viện Đa khoa huyện Vũng Liêm.

Đường 2 Tháng 9 nối dài dự kiến đổi thành đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: THÚY QUYÊN


Qua thống kê, phân loại những tuyến đường, sự kiện và nhân vật lịch sử. Hội đồng tư vấn đã thống nhất đề xuất đặt tên mới cho các tuyến đường như sau:

KHÁI QUÁT TÊN 11 TUYẾN ĐƯỜNG MỚI VÀ ĐỔI TÊN BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN VŨNG LIÊM CỦA TỈNH VĨNH LONG

(Hội đồng tư vấn thông qua cuộc họp ngày 21/8/2012)

I. Phường 2: Gồm có 1 đường.

1. Đường 2 Tháng 9 nối dài:

Điểm đầu là đường Mậu Thân (P3), điểm cuối là Quốc lộ 1A (xã Tân Ngãi, gần Nhà máy bia).

+ Hiện trạng: Chiều dài 5,5km

+ Phân cấp đường đô thị

+ Dự kiến đặt tên: Đường Võ Văn Kiệt.

* Tiểu sử: Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tên khai sinh là Phan Văn Hòa; bí danh: Sáu Dân.

Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1941 đến năm 1945, đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá.

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ.

Năm 1950, đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Năm 1955, đồng chí được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang.

Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1970.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ).

Năm 1972 đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III.

Từ năm 1973 đến 1975 đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn.

Năm 1976 đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2/1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; sau đó, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

II. Phường 3: Gồm có 1 đường.

1. Điểm đầu là đường Phó Cơ Điều, điểm cuối là UBND xã Phước Hậu, huyện Long Hồ.

+ Hiện trạng: Chiều dài 3km

+ Theo quy hoạch: có lộ giới 18m (4 – 10 – 4)

+ Phân cấp đường huyện lộ.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Nguyễn Văn Nhung.

* Tiểu sử: Đồng chí Nguyễn Văn Nhung (1903 – 1982): Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông quê làng Long Đức (nay là Khóm 5), thị trấn Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1927, ông gia nhập tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên tại Nam Vang. Năm 1928, ông được phân công về hoạt động ở chi bộ Ngã tư Long Hồ. Năm 1929, ông được phân công làm Bí thư chi bộ An nam Cộng sản Đảng Ngã tư Long Hồ. Tháng 11/1930, ông làm Bí thư Quận ủy Tam Bình. Ông tích cực vận động quần chúng đấu tranh chống áp bức, chống thuế, đòi dân sinh dân chủ, ông còn tích cực viết Báo Công – Nông– Binh và Báo Lao khổ tuyên truyền về Đảng. Năm 1945, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên và đã lãnh chỉ đạo cướp chính quyền thành công ở TX Long Xuyên ngày 25/8/1945. Tháng 9/1949, ông về Long Châu Tiền làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn và làm Hiệu trưởng
Trường Chính trị. Tháng 11/1949, ông được rút lên làm Ủy viên Khu ủy Khu 8 Nam Bộ phụ trách Mặt trận. Cuối năm 1950, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Thương binh- Xã hội Nam Bộ. Từ 1951 – 1964, ông được phân công làm Phó Bí thư liên tỉnh một số tỉnh Đông Nam Campuchia; Phó Chủ nhiệm Tổng hội Việt kiều yêu nước; Vụ Phó Tổ chức cán bộ y tế; Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ông mất ngày 1/11/1982.

III. Phường 4: Gồm có 4 đường (phân biệt tính từ hướng vòng xoay bệnh viện đến cầu Phạm Thái Bường).

1. Điểm đầu là đường Phạm Thái Bường (P4), điểm cuối là đường Trần Phú (P4).

+ Hiện trạng: (461m x 16m)

+ Theo quy hoạch: có lộ giới 16m (4 – 8 – 4)

+ Phân cấp đường đô thị.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Phan Quốc Quang.

* Tiểu Sử: Ông Phan Quốc Quang (1879 – 1966): Nhà thơ yêu nước có công chấn hưng nền giáo dục tỉnh Vĩnh Long, ông quê ở kinh thành Huế, bút danh Thượng Tân Thị. Năm 1899, ông vào miền Nam và sống ở huyện Tam Bình chăm lo dạy học. Ông từng dạy học ở Chợ Lách, Nhơn Phú, Ba Kè, TX Vĩnh Long. Ông cũng đã dạy học cho Giáo sư Trần Văn Khê và nhiều nhân tài khác. Ngoài ra, ông còn viết nhiều báo chí, văn thơ dịch thuật chữ Hán ra tiếng quốc ngữ với bút hiệu Hương Thanh Hoài Nam Tử, nổi bật nhất là 10 bài Khuê phụ thán được đánh giá rất cao. Ông mất năm 1966.

2. Điểm đầu là đường Phạm Thái Bường (P4), điểm cuối là đường Trần Phú (P4).

+ Hiện trạng: (465m x 6m)

+ Theo quy hoạch: có lộ giới 14m (3 – 8 – 3)

+ Phân cấp đường đô thị.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Ông Phủ (Lê Văn Vĩ).

* Tiểu sử: Ông Lê Văn Vĩ hay còn gọi là Ông Phủ (1852 – 1939): Quê làng Phú Nhơn (Nha Mân – Sa Đéc), ông sinh trưởng trong gia đình Nho học. Năm 1870, ông thi đỗ ra trường dạy học ở tỉnh Vĩnh Long. Năm 1888, ông đạt hạng Nhì trong cuộc tuyển chọn giáo viên giỏi toàn Nam Kỳ. Năm 1902, ông đắc cử nghị viện quản bạt, lên tiếng bảo vệ bênh vực quyền lợi cho dân. Bất mãn chế độ thực dân Pháp, ông bất hợp tác, sống đời thanh bạch. Năm 1905, ông được phong làm Tri Phủ và năm 1925 được gia hàm Đốc phủ sứ. Ông mất năm 1939.

3. Điểm đầu là đường Trần Phú (P4), điểm cuối là đường Mậu Thân (P3).

+ Hiện trạng: (1.260m x 18m)

+ Theo quy hoạch: có lộ giới 18m (4,5 – 9 – 4,5)

+ Phân cấp đường đô thị.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Trần Văn Bảy.

* Tiểu sử: Đồng chí Trần Văn Bảy (1911 -1942): Ông quê xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, ông tha phương sinh sống ở xã Mỹ Quốc, huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá. Năm 1930, ông tham gia tổ chức cách mạng rồi làm Bí thư “Chi bộ tự động” đầu tiên tỉnh Rạch Giá. Năm 1935, ông được cử làm Bí thư Huyện ủy huyện Phước Long. Năm 1938, ông được cử làm Bí thư tỉnh Rạch Giá. Năm 1939, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Đầu năm 1940, trong cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ tại Nước Xoáy (xã Hòa Hiệp, Tam Bình), ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Cuối tháng 9/1940, ông bị địch bắt, bị đánh đập tàn nhẫn nhưng ông vẫn giữ khí tiết kiên trung của người cộng sản chân chính. Thời gian sau, ông bị đày đi Côn Đảo và đã hy sinh năm 1942.

4. Đường "Hưng Đạo Vương nối dài", điểm đầu là đường Hưng Đạo Vương (P1), điểm cuối là đường Trần Phú (P4).

+ Hiện trạng: Chiều dài 2,2km

+ Theo quy hoạch: có lộ giới 22m (5– 12– 5)

+ Phân cấp đường đô thị

+ Dự kiến đặt tên: Trần Đại Nghĩa.

* Tiểu sử: Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa quê ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngay từ thuở nhỏ ông đã có năng khiếu về môn Toán và học rất giỏi. Ông đã từng học ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sài Gòn và sang Pháp du học. Ông đã tốt nghiệp kỹ sư rất nhiều ngành ở Pháp như: cầu đường, điện học, vũ khí, hàng không... và làm việc tại Pháp một thời gian. Năm 1946 được gặp Bác Hồ và được Bác Hồ giác ngộ cách mạng. Từ giã cuộc sống phồn hoa với đồng lương trị giá tương đương 23 cây vàng mỗi tháng, ông đã về nước cùng Bác Hồ và tham gia kháng chiến với công việc chế tạo vũ khí. Ông được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa và được phân công giữ chức Cục trưởng Cục quân giới. Ông đã chế tạo và cải tiến nhiều loại vũ khí phục vụ cho kháng chiến như: súng bazoka, súng không giật, súng phóng lựu, mìn chống tăng… cải tiến tên lửa Sam 2 hạ pháo đài B52 của Mỹ làm cho Mỹ phải kinh hoàng. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Ông Phật chế tạo vũ khí”. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức cấp bằng Viện sĩ. Ông được Đảng phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, Chủ tịch các Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam…Ông mất ngày 9/8/1997.

IV. Phường 9: Gồm có 1 đường.

1. Điểm đầu là đường Phạm Hùng (P9), điểm cuối là đường Đinh Tiên Hoàng (P8) (lộ Bờ Gòn)

+ Hiện trạng: Chiều dài 4km, mặt đường rộng 11m nền 18m

+ Phân cấp đường đô thị

+ Dự kiến đặt tên: Đường Phan Văn Đáng.

* Tiểu sử: Đồng chí Phan Văn Đáng (1919 – 1997): Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long năm 1946; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, quê xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1940, ông tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, bị địch bắt đài đi Côn Đảo. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được rút về và được bổ sung vào BCH Tỉnh ủy Vĩnh Long. Tháng 7/1946 ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Năm 1954, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Tháng 5/1957, ông được cử làm Trưởng đoàn ra miền Bắc xin ý kiến chuẩn bị cho phong trào Đồng khởi ở miền Nam. Năm 1961, ông được cử làm Phó Bí thư Trung ương cục Miền Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III và IV; Đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông mất ngày 9/5/1997.

V. Xã Tân Ngãi: Gồm có 2 đường.

1. Điểm đầu là Quốc lộ 1A, điểm cuối là Khu Du lịch Trường An.

+ Hiện trạng: (482,4m x 10m)

+ Theo quy hoạch: có lộ giới 17m (4,5 – 8 – 4,5)

+ Phân cấp đường đô thị.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Trường An (dễ nhớ, dễ gọi).

2. Điểm đầu là Quốc lộ 1A, điểm cuối là Khu chung cư (ấp Vĩnh Hòa).

+ Hiện trạng: Giai đoạn I (495,2m x 18m) + giai đoạn II (đang thi công) = 900m

+ Theo quy hoạch: Có lộ giới 24m (6m–12– 6m)

+ Phân cấp đường đô thị.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Vĩnh Hòa (theo địa danh ấp Vĩnh Hòa).

VI. Xã Tân Hội: Gồm có 1 đường.

1. Điểm đầu là Quốc lộ 80, điểm cuối là bến phà Mỹ Thuận (cũ).

+ Hiện trạng: (545m x 23m)

+ Theo quy hoạch: Có lộ giới 23m (3,5– 16– 3,5)

+ Phân cấp đường đô thị.

+ Dự kiến đặt tên: Đường Mỹ Thuận (gọi theo tên bến phà Mỹ Thuận ngày xưa).

VII. Huyện Vũng Liêm: Gồm có 1 đường và đổi tên 1 bệnh viện.

1. Điểm đầu tại Trường THCS Nguyễn Việt Hùng (xã Trung Thành Tây), điểm cuối là Ngã ba An Nhơn (thị trấn Vũng Liêm).

+ Hiện trạng: Chiều dài 1.953m

+ Phân cấp đường huyện lộ.

+ Dự kiến đặt tên: Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Sự kiện lịch sử).

* Tiểu sử: Thực hiện mệnh lệnh của Xứ ủy Nam Kỳ về việc tổ chức cuộc Khởi nghĩa ở Nam Kỳ năm 1940. Tại Vũng Liêm nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa chia thành nhiều mũi nhanh chóng đánh vào dinh quận, đồn mã tà, nhà dây thép và nhà giam. Quân khởi nghĩa đốt cháy dinh quận đã làm chủ quận lỵ. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lần đầu tiên được treo trên nóc dinh quận, phất phới tung bay vào lúc 24 giờ 20 phút đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940.

2. Đổi tên Bệnh viện Đa khoa huyện Vũng Liêm thành Bệnh viện Nguyễn Văn Thủ.

* Tiểu sử: Giáo sư Nguyễn Văn Thủ xuất thân trong một gia đình địa chủ, ông tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp Bác sĩ Nha khoa năm 1940. Mặc dù được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có, từ nhỏ đã sinh sống học hành ở Pháp, nhưng từ khi còn là sinh viên ông đã tích cực tham gia phong trào Việt kiều yêu nước ở Paris đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Năm 1942 theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ ông quyết định về nước vừa bí mật tuyên truyền, vận động tổ chức và gây quỹ cho tổ chức cách mạng, phục vụ đồng bào. Ông được Đảng phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch phong trào Thanh niên Tiền phong Sài Gòn – Chợ Lớn nhằm chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, Ủy viên dự khuyết Ủy ban Hành chính Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, tháng 8/1948 ông thành lập Phòng Nha y Nam Bộ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ kiêm Trưởng Phòng Nha y – Dân y, Tổng Thanh tra Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh… Ông mất 1984 tại TP Hồ Chí Minh.

TỔNG SỐ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRONG TỈNH VĨNH LONG CẦN ĐẶT TÊN MỚI: 11 TÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỔI TÊN 1 BỆNH VIỆN

1. PHƯỜNG 2: 1 ĐƯỜNG MỚI.

2. PHƯỜNG 3: 1 ĐƯỜNG MỚI.

3. PHƯỜNG 4: 4 ĐƯỜNG MỚI.

4. PHƯỜNG 9: 1 ĐƯỜNG MỚI.

5. XÃ TÂN NGÃI: 2 ĐƯỜNG MỚI.

6. XÃ TÂN HỘI: 1 ĐƯỜNG MỚI.

7. HUYỆN VŨNG LIÊM: 1 ĐƯỜNG MỚI, 1 BỆNH VIỆN.

Để tiện việc lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho việc đặt tên các tuyến đường mới và công trình công cộng trong tỉnh. Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long đăng tải trên Website: www.svhttdl.vinhlong.gov.vn của Sở; Báo Vĩnh Long điện tử www.baovinhlong.com.vn. Các ý kiến đóng góp xin gửi bằng văn bản đến địa chỉ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, Số 10 Hưng Đạo Vương, Phường 1, TP Vĩnh Long, hoặc qua Email: tiepdan.svhttdl@vinhlong.gov.vn, huuthoaivhttdlvl@gmail.com của Sở, tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng tư vấn sẽ tổng hợp điều chỉnh trình UBND tỉnh.