Ly cà phê... hết mê

Cập nhật, 18:33, Thứ Bảy, 28/07/2012 (GMT+7)

“Bạn cà phê” của tôi thét lên đầy thảm não. Không thét sao được, bởi cà phê là một phần đậm đà hương vị trong đời sống ẩm thực người Việt.

Cứ xem một “tóc ngắn” vào quán, ngồi xuống ghế, thong thả giở báo ra đọc, không nói câu nào. Nhưng chỉ chút xíu là trước mặt đã có ly cà phê nóng hổi, thơm phức. Chả là khách ruột. Cứ một gu cà phê đó, giờ đó. Riết thành quen, chẳng cần gì phải kêu hay gào.

Ngay trong cách gọi cà phê cũng cho thấy đấy là một thức uống quá quen thuộc của người Việt: cái đen, cái nâu, rồi phê đá, phê sữa nóng, phê sữa đá. Hay vẻ “sành sỏi đời xưa” hơn: ly xây chừng (cà phê đen không đá), ly pạc- xỉu (cà phê sữa cho nhiều sữa ít cà phê theo kiểu người Hoa). Kiểu nào cũng được cả. Muốn gì quán chiều nấy. Có người còn “lớn tiếng” bỏ… vợ được, chớ cà phê bỏ không được. Thiếu ly đen người cứ ủ rũ thế nào, ngồi buồn chỉ muốn… ngủ.

Cà phê nồng nàn, thơm lừng và duyên dáng đến nỗi nó không chỉ có mặt ở quán cà phê, mà còn đi cả vào thơ ca, nhạc họa. “Ly cà phê Ban Mê” của nhạc sĩ Nguyễn Cường nổi tiếng đến nỗi, tới Tây Nguyên, nhiều người cứ dõi mắt theo những phố cà phê đẫm hơi sương. Cà phê vỉa hè trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Việt.

Dài dòng như vậy để thấy rằng, cà phê gắn bó với người Việt lắm. Và hơn thế nữa, cà phê đã giúp cho thế giới biết đến một Việt Nam, một Tây Nguyên nồng nàn, chỉ kém mỗi Brazil.

Song, những con người làm ăn gian dối, độc ác đã khiến người uống cà phê phải kinh hoàng. Nên bây giờ ai cũng sợ cà phê. Nhưng sợ nhất, thắc mắc nhất là những cơ quan chức năng ở đâu mà để cho việc “sản xuất” kiểu này (gồm bột đậu nành rang và hóa chất độc hại) có thể tồn tại một cách ngang nhiên trong một thời gian dài- quá dài như vậy? Bao nhiêu triệu con người đã uống phải cà phê độc? Thương hiệu cà phê Việt Nam ảnh hưởng như thế nào?

Và nét độc đáo của cà phê vỉa hè… ôi, ly cà phê… hết mê!

PHƯƠNG NAM