Bạn trẻ với văn hóa cội nguồn

Cập nhật, 05:40, Thứ Sáu, 21/10/2016 (GMT+7)

Có bao giờ bạn tự hỏi đã biết hết họ hàng ruột thịt hai bên nội ngoại hay chưa? Chắc hẳn có nhiều bạn cảm thấy thẹn vì câu trả lời của chính mình. Dù rằng áp lực học hành của giới trẻ ngày nay là rất lớn, nhưng điều đó không đủ để bao biện cho thái độ nhạt dần với những giá trị của văn hóa cội nguồn.

Văn hóa cội nguồn thể hiện trước hết bên mâm cơm của mỗi gia đình. Bữa cơm chung với ông bà, cha mẹ rất quan trọng, vì nó giúp không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc hơn.

Bữa cơm nhà còn là nơi để các thành viên trong gia đình chia sẻ những điều thú vị trong một ngày, giải bày những gút mắt trong cuộc sống có thể vấp phải. Từ đó, ta được truyền dạy những kinh nghiệm sống quý báu, đồng thời tình cảm gia đình trở nên gắn kết hơn.

Thế nhưng có rất nhiều bạn trẻ lại xem nhẹ những điều thiêng liêng này. Nhiều bạn chọn cách ăn ở hàng quán, cửa tiệm hay đơn giản nhất là thức ăn nhanh… với lý do để kịp học sáng, học trưa, học chiều.

Thậm chí, về đến nhà cũng chỉ ăn qua loa mà học tiếp. Hệ quả trước mắt là những bữa ăn thiếu dinh dưỡng sẽ không đảm bảo sức khỏe tốt cho học tập và lao động.

Về lâu dài điều đánh mất là sự gắn kết tình cảm gia đình. Hãy nhớ rằng: Cha vẫn chờ bạn bên mâm cơm dù không gọi điện. Mẹ sẽ buồn vì trên bàn toàn là những món bạn thích ăn!

Nói rộng ra, nghĩ về văn hóa cội nguồn là nghĩ về gốc gác, nguồn cội. Những ngày lễ tết hay giỗ chạp chính là những ngày nhắc nhớ chúng ta về gia tiên, dòng họ, mang đậm giá trị truyền thống của gia đình, dòng tộc. Hiểu giá trị của cội nguồn, hiểu về gốc gác, tổ tiên thì ta sẽ biết trân trọng gia đình mình hơn.

Mâm cơm đoàn tụ đại gia đình trong những ngày giỗ chạp là dịp tưởng nhớ người quá cố, chào hỏi họ hàng, quây quầy bên ông bà, người thân khiến ta trở nên gần gũi với mọi người hơn.

Thế nhưng, điều đáng buồn là rất nhiều bạn trẻ bỏ hẳn những ngày kỷ niệm này ngoài bộ nhớ. Việc về thăm quê cha đất tổ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều trường hợp phải ngại ngùng khi tình cờ gặp và chào “bác” thành “chú” hay “ông” (vai lớn) thành “anh” nói chi đến chuyện nhớ hết mặt họ hàng.

Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng bận rộn, những ngày gặp mặt đoàn tụ đại gia đình cũng khan hiếm hơn. Nhưng văn hóa cội nguồn, dòng họ, gia đình phải được kế thừa và nối tiếp bởi những thế hệ con cháu. Đó là truyền thống, là bản sắc của dân tộc.

Vì thế, bạn trẻ không có quyền quên đi những nét văn hóa thuần Việt mà phải có nghĩa vụ giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp đó. Bạn chỉ thật sự thành công khi bạn biết mình là ai và từ đâu đến!

DIỄM KIỀU