Lối đi nào cho chúng con?

Cập nhật, 15:09, Thứ Năm, 07/01/2016 (GMT+7)

Có 2 vợ chồng trẻ cùng đứa con thơ đi ăn sáng. Sau màn gọi món thì chuyện không của riêng ai đối với thời đại ngày nay: anh Cha, chị Mẹ cúi đầu chăm chú vào chiếc dế yêu của mình mà chẳng hề mảy may trò chuyện với cậu bé Con gì cả.

Trước giờ cứ nghĩ cái sự nghiện ấy chỉ dành cho giới trẻ thanh niên, dè đâu nay mới được chứng kiến tỏ tường một gia đình cũng vướng vào hệ lụy trên. Thương làm sao chú bé kia sẽ lớn lên với tình yêu thương của smartphone, của sự chuyện trò cùng ipad, của những thú vui cùng game... thì sẽ như thế nào?

Một cây non được nuôi dưỡng bằng phân bón, thuốc hóa học thì bộ rễ sẽ không thèm cắm sâu, lan tỏa và vững mạnh trước sóng gió sau này.

Còn một đứa bé trưởng thành trong một gia đình nghèo nàn tình thương yêu, quan tâm dạy dỗ đúng mực thì khó mà thoát khỏi trở thành một con người vô cảm. Giới trẻ ngày nay chỉ cần không đầy 1 năm ngắn ngủi đã đủ để thờ ơ, lạnh lùng với thế giới bên ngoài. Huống chi đứa trẻ "được" trui rèn trong lò luyện 18 năm?

Chúng ta thường dành thời gian, tiền bạc để học kiến thức, kỹ năng cho bản thân để làm việc, làm lính, làm sếp. Thế mà lại có ít người chịu đầu tư cho mình môn học Làm Cha, Làm Mẹ - môn học mà gần như gắn bó cả cuộc đời còn lại của chúng ta (sau hôn nhân). Và kẻ chịu thiệt thòi lớn nhất lại con cái chúng ta. (Tất nhiên sẽ không thiếu phần của anh Cha, chị Mẹ khi đã "đầu tư" mà không tạo ra được nhiều "giá trị" cho cuộc đời).

Cách đây mấy hôm, đọc được bài viết về một tử tù (ở đâu đó trên thế giới này). Nguyện vọng cuối cùng của anh ta là một cây bút chì và một tờ giấy để có thể viết thư cho Mẹ. Và đây là những lời anh viết:

"Mẹ, nếu có công lý trong thế giới này, con và mẹ nên bị kết án từ hình cùng nhau. Mẹ cũng có tội cũng như con vì những gì con đã làm.

Mẹ hãy nhớ lại đi, khi con ăn cắp chiếc xe đạp của thằng bé gần nhà. Mẹ đã giúp con giấu chiếc xe đạp đó đi để bố không nhìn thấy nó.

Mẹ có nhớ lần con lấy trộm tiền từ ví của người hàng xóm không? Mẹ đã đi siêu thị mua sắm cùng với con.

Mẹ có nhớ ai đã bênh vực con khi con cãi lại bố đến nỗi bố phải bỏ đi không? Bố chỉ muốn sửa dạy con vì con đã gian lận trong bài thi và cuối cũng là con phải bị đuổi học.

Mẹ ơi, lúc đó con chỉ là một đứa trẻ, không lâu sau con đã trở thành một thiếu niên hư nghịch và bây giờ con đang là một tử tù chờ thi hành án.

Mẹ ơi, lúc đó con chỉ là một đứa trẻ con cần được bao biện, nhưng cái thực sự con cần là được sửa trị.

Nhưng thôi, con tha thứ cho mẹ! Con chỉ muốn viết thư này để nó có thể đến được nhiều người khác đang làm cha làm mẹ, với hi vọng rằng, họ có thể nhận ra điều tạo nên người tốt kẻ xấu trên thế giới này là sự giáo dục.

Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc sống và cũng đã giúp con đánh mất nó.

Đứa con tử tù của mẹ."

...

Ông bà ta nói: Con hư tại Mẹ. Có lẽ thật đúng trong trường hợp này. Nhưng xét rộng hơn, thì nó mang nặng tính phong kiến trọng nam khinh nữ. Bởi trách nhiệm trong việc giáo dục con cái luôn là của cả 2 Người - Những Đấng sinh thành. Nên mong rằng, những anh Cha - chị Mẹ ơi, hãy biết và dám chịu trách nhiệm cho "sản phẩm" của mình tạo ra với đời, với xã hội, với cuộc sống này. Đừng đỗ lỗi cho ai hết mà hãy tự nhìn nhận lại chính mình. Nếu Mẹ Mạnh Tử không nhận trách nhiệm cho mình thì làm sao có chuyện đổi nhà 3 lần vì con?

"Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn". Tin mừng là, vì dù sao, ở đâu đó (xung quanh ta thôi chứ đâu), vẫn còn rất rất rất nhiều những anh Cha - chị Mẹ, đã - đang - và sẽ, đang ngày đêm trao dồi kiến thức nuôi dạy con để mang đến cho những thiên thần bé nhỏ của mình một môi trường trong lành và phát triển nhất.

Ngày đầu năm mới, chúc cho những mầm non được sống, được chơi, được sáng tạo... trong tình yêu thương trọn vẹn và thuần khiết nhất từ anh Cha - chị Mẹ tiến bộ và văn minh.

PHẠM HOÀNG NGUYÊN