Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh: Sân chơi bổ ích, trí tuệ

Cập nhật, 21:35, Thứ Tư, 08/01/2020 (GMT+7)

Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh (HS) trung học được tổ chức hàng năm đã và đang thu hút được nhiều HS tham gia. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích, trí tuệ mà còn là những sáng kiến, giải pháp trong nhiều lĩnh vực xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống…

Các em tự tin thuyết trình với dự án, sản phẩm của mình với sự chuẩn bị tốt nhất.
Các em tự tin thuyết trình với dự án, sản phẩm của mình với sự chuẩn bị tốt nhất.

Vận dụng vào đời sống thực tiễn

Với mục đích tạo cơ hội cho HS tỉnh nhà nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, Sở GD- ĐT đã tổ chức hội thi này để phát huy những khả năng, ý tưởng sáng tạo của các em.

Hí hửng nói về sáng tạo của mình, em Lê Việt Duy Cường (lớp 12A2) và Trịnh Hữu Phúc (lớp 11A2- THPT Trà Ôn) cho biết mình đã “chuyển giao” sản phẩm thành phẩm này… thành công. Với dự án “Hệ thống tưới vườn tự động”, Duy Cường cho biết, hệ thống này tự động đo được độ ẩm của đất và nhiệt độ (đã được lập trình và có thể thay đổi) để tự động khởi động tưới khắp vườn. “Khả năng có thể áp dụng rộng rãi vì hệ thống dễ sử dụng, tiết kiệm được lượng nước,… Từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức của nông dân”- Duy Cường chia sẻ.

Một trong những điểm tương đối nổi bật của hội thi năm nay là khá nhiều ý tưởng, dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Có thể điểm qua tên một số như: “Nghiên cứu và thử nghiệm quy trình sản xuất giấy từ cây chuối”, “Máy ủ phân hữu cơ từ rác hữu cơ”, “Hệ thống xử lý nước phục vụ trồng rau an toàn”, “Máy phát điện nổi trên sông sử dụng năng lượng thủy triều”, “Nước rửa tay, rửa chén sinh học”, “Bộ thiết bị đóng ngắt mạch tự động giúp tiết kiệm điện, nước trong trường học”, “Dự án biến đổi khí hậu mọi người chung tay bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp”,…

“Dự án biến đổi khí hậu mọi người chung tay bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp” là ý tưởng của em Đỗ Phương Duyên (lớp 9/1) và em Nguyễn Ngọc Anh (lớp 8/1- THCS Hiếu Phụng). Phương Duyên cho biết, tất cả nội dung trong dự án phải tốn gần 2 năm tổng hợp.

“Sau thời gian nghiên cứu, nhóm cũng đề xuất thực hiện dự án ý thức gìn giữ môi trường ở trường học, vẽ tranh cùng tìm hiểu về biến đổi khí hậu và chung tay bảo vệ môi trường, thiết kế phần mềm học Tiếng Anh từ lập trình scratch vừa học vừa tìm hiểu về môi trường, thiết kế web biến đổi khí hậu …”- Phương Duyên chia sẻ.

Với dự án “Nghiên cứu và thử nghiệm quy trình sản xuất giấy từ cây chuối”, em Nguyễn Đặng Cao Bằng (lớp 11T7- THPT Vĩnh Long) cho rằng sản phẩm sẽ góp phần làm giảm lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nilon. Đồng thời tạo ra vật liệu mới thay thế túi nilon, thân thiện với môi trường.

“Dự án cũng có thể tiến hành thực hiện trên nhiều loại nguyên liệu khác nhau như lá cây, lục bình…. Em hy vọng giải pháp này sẽ là bước đầu cho việc tạo ra sản phẩm có ích cho mọi người, cho kinh tế, xã hội và thân thiện với môi trường”- Cao Bằng chia sẻ.

Sân chơi bổ ích, trí tuệ

Trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục Vĩnh Long nói chung đã có nhiều đổi mới. Các trường, các thầy cô giáo vừa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa chủ động nghiên cứu nhằm phát huy khả năng sáng tạo và phát triển năng lực cho HS.

Theo Sở GD- ĐT, nước ta đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều đó đặt ra yêu cầu thế hệ trẻ phải được trang bị kiến thức khoa học và những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng trước những thay đổi của thời đại. Do đó, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện phương pháp học tự chủ, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là những mục tiêu quan trọng mà các trường phổ thông đang hướng đến.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, hội thi Khoa học Kỹ thuật dành cho HS trung học được tổ chức hàng năm đã khuyến khích HS nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, hình thành năng lực của mỗi HS.

Hội thi năm nay có 45 đơn vị tham gia đến từ các trường THCS, THCS- THPT và THPT trên địa bàn tỉnh. Tổng số dự án tham gia hội thi là 65 thuộc 12 lĩnh vực. Sở GD- ĐT đã tổ chức hội thi này từ năm học 2013- 2014, qua 7 năm tổ chức, hội thi đã thật sự mang lại ý nghĩa tích cực, khơi gợi nguồn cho nhiều sáng tạo với những phát minh có giá trị về mặt khoa học, kỹ thuật, vận dụng có hiệu quả vào cuộc sống.

“Có thể nói đây là sân chơi bổ ích, trí tuệ với những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời là tiền đề quan trọng góp phần tích cực vào việc đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, hội thi cũng đã góp phần tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các nhà trường, thúc đẩy đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS. “Qua cuộc thi, thầy cô sẽ có những nhận thức mới về chất lượng giáo dục và tự đổi mới mình, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức dạy học để tạo động lực cho HS tiếp cận và nghiên cứu khoa học…”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ.

Giám đốc Sở GD-ĐT- Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng mỗi dự án sẽ tương xứng với kiến thức mà các em đã tích lũy được, thể hiện khả năng vận dụng kiến thức và thực tiễn. Qua đó, sản phẩm dự thi có thể chưa thật sự hoàn thiện nhưng đó là những ý tưởng chứng minh cho quá trình học tập nghiêm túc, năng lực tư duy độc lập, yêu khoa học và đam mê sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY