Bạn trẻ giữ nét tết xưa

Cập nhật, 06:27, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)

Nếu tết là ngày mà dù ai đi xa cũng nhớ để trở về nguồn cội, để tưới mát tâm hồn mình trong hương sắc tân niên rất đỗi linh thiêng và còn có “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”... thì tết nay ở nhiều nơi vẫn gần như trọn vẹn phong vị ấy. Bởi trong nhịp sống hiện đại có không ít bạn trẻ vẫn góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hân hoan đón tết

Linh hồn của tết nằm ở sự đoàn tụ ấm áp, gia đình cùng nhau chuẩn bị đón mùa xuân mới. Chính vì thế mà hầu như năm nào, chị em Như Ý và Như Ngọc (Tam Bình) cũng sắp xếp công việc để về nhà vui đón tết.

Họ háo hức hòa mình vào những buổi chợ tết rực rỡ sắc màu, rồi cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, bày biện mâm ngũ quả trong không khí sum vầy.

Thành quả khắc dưa hấu chưng tết của chị em Ý- Ngọc.
Thành quả khắc dưa hấu chưng tết của chị em Ý- Ngọc.

Trong phòng khách ấm áp, Như Ý và Như Ngọc còn tự tay khắc dưa chưng tết. Sau gần một ngày, 2 cặp dưa hấu với dòng chữ ý nghĩa: Cung chúc tân xuân- Năm mới phát tài và An khang, Thịnh vượng rất bắt mắt đã được “ra lò”...

Như Ý cười tươi: “Dưa này sẽ chưng trên bàn thờ tổ tiên và phòng khách. Cộng thêm dĩa mứt cùng bình hoa mai, vạn thọ nữa... Đâu cần chuẩn bị gì xa xỉ, Tết cổ truyền chỉ như thế nhà cũng bừng sáng, ngập tràn hương xuân rồi”.

Như Ngọc cười: “Còn nữa nhe. Tết nay mình sẽ cùng nhau làm dưa kiệu, rồi phụ bà gói bánh tét nữa. Năm nào cũng vậy, đây là truyền thống nhà mình mà”.

Tết cổ truyền mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, nên dù sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng năm nào gia đình nhỏ của chị Kim Tuyến cũng về quê Vĩnh Long đón tết. Về quê đi chợ hoa rồi cùng mẹ làm món thịt kho rệu, dưa cải, phụ cha dọn nhà tươm tất... là những việc này chị luôn nằm lòng.

Chị Tuyến chia sẻ: “Mình vẫn thích nhất cảm giác được quây quần bên mâm cơm gia đình, nói chuyện vui của cả một năm. Rồi con cháu xúm nhau ngồi nghe ông bà kể chuyện. Cả nhà rôm rả tiếng cười... Tết sum họp bên người thân thật là vui”.

Bạn trẻ đi chùa cầu bình an- nét đẹp ngày tết.
Bạn trẻ đi chùa cầu bình an- nét đẹp ngày tết.

Vẫn như tết mọi năm, dù tuổi đã “đủ lớn” nhưng bạn Mỹ Hạnh- sinh viên ĐH Cửu Long- vẫn bồn chồn, vẫn thấy vẹn nguyên cảm xúc khi lại được mẹ mua cho chiếc áo mới, được đi chợ hoa.

Tết chính là thời điểm mà Mỹ Hạnh thấy tuổi trẻ của mình thật đẹp, thấy bản thân trưởng thành hơn một chút và càng yêu gia đình hơn. Hạnh nói, em thích nhất là được cùng mẹ sửa soạn lá chuối, vo gạo, đãi đậu làm nhân bánh tét,...

Theo Hạnh thì mẹ em gói bánh khéo lắm, đòn bánh nào từ tay mẹ làm ra cũng giống như khuôn đúc. Em thì phụ khâu buộc dây, nhóm bếp, cho bánh vào nồi và canh nấu bánh. Bên ngọn lửa hồng, giữa tiếng củi lép bép nổ và nồi bánh sôi lục bục, những câu chuyện râm ran không dứt.

Những đòn bánh đẹp nhất được đặt lên bàn thờ cùng mâm ngũ quả trang trọng, thể hiện sự thành tâm với tổ tiên. Không khí tết sao mà ấm áp!

Giữ phong vị ngày tết

Tết không chỉ là khoảng thời gian gia đình quây quần bên nhau, “tống cựu nghênh tân” mà còn là dịp thăm viếng người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.

Vì lẽ đó mà năm nào bạn Hồng Vân (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cũng dành riêng thời gian “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.

Rồi sau đó mới đến việc đi lễ chùa hái lộc đầu năm, du xuân với bạn bè. Hồng Vân chia sẻ: “Lúc nhỏ, tết nào cha mẹ cũng dắt em đi chúc tết ông bà nội ngoại. Mẹ dạy đây chính là lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà”.

Không thể phủ nhận rằng cuộc sống hiện đại đã khiến một số bạn trẻ thờ ơ với các phong tục Tết cổ truyền.

Thế nhưng vẫn có không ít bạn trẻ trăn trở làm thế nào để gìn giữ trọn vẹn phong vị tết truyền thống. Như nhóm bạn của Thùy Dương- sinh viên ĐH Cần Thơ- đã tổ chức hẳn chương trình gói bánh ngày xuân.

“Gói bánh là một nét đẹp ngày tết. Chương trình này là cơ hội để tụi em “giữ lửa” tết xưa lại vừa “thử tay nghề”. Những đòn bánh ngon sẽ tặng cho các gia đình neo đơn, khó khăn vui tết”- Thùy Dương vui vẻ cho hay.

Còn bạn Danh Ngôn- sinh viên ĐH Xây dựng Miền Tây- thì lại “hóa trang” thành thầy đồ với áo dài, khăn đóng cùng bút nghiên, giấy mực để cho chữ ngày xuân.

Danh Ngôn “cho chữ” với mong muốn gửi gắm bao điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp đầu năm.
Danh Ngôn “cho chữ” với mong muốn gửi gắm bao điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp đầu năm.

Theo chàng sinh viên này thì vào dịp đầu năm mọi người thường đến nhà thầy đồ để xin chữ về treo, mong gia đạo an lành. Và thư pháp với nét đẹp “cho chữ- xin chữ” trở thành nét văn hóa độc đáo của tết xưa. Vì vậy, “em muốn lưu giữ nét đẹp này”- Danh Ngôn nói.

Bên cạnh các chữ Phúc, Lộc, Thọ- thầy đồ Danh Ngôn còn viết các câu đối như “Xuân an khang đức tài phú quý- Niên thịnh vượng phúc vô biên”, “Cung chúc an khang toàn gia thịnh- Vạn kỷ niên xuân ý cát tường”...

Danh Ngôn chia sẻ: “Qua đây, em muốn gửi gắm bao điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp đầu năm. Mong cho tất cả gia đình đều được bình an, sức khỏe, tiền tài, mọi việc hanh thông...” .

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY