Những nông dân thanh niên làm kinh tế giỏi

Cập nhật, 11:30, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Trong giai đoạn hiện nay, trồng cây gì nuôi con gì để đạt hiệu quả và đảm bảo được đầu ra nông sản là vấn đề khó của nhiều nông dân. Tuy nhiên, nếu nắm bắt và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì nông dân vẫn có thể vươn lên làm giàu trên mảnh vườn thửa ruộng của mình.

Anh Phan Văn Đô (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) và anh Nguyễn Văn Tú (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) là những điển hình như thế.

Làm giàu từ nhãn Ido

Anh Đô (bên phải) chia sẻ kỹ thuật xử lý nhãn cho trái cùng đoàn viên thanh niên.
Anh Đô (bên phải) chia sẻ kỹ thuật xử lý nhãn cho trái cùng đoàn viên thanh niên.

Đến ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) hỏi thăm anh Phan Văn Đô thì ai cũng biết và hết lời khen ngợi chàng thanh niên làm kinh tế giỏi. Từ đường lớn rẽ trái, chúng tôi chạy dọc theo con đường đan nhỏ xíu ngoằn ngoèo mới đến được vườn nhãn của ông chủ trẻ.

Đón chúng tôi sau khi vừa tưới xong 11.000m2 nhãn, anh Đô cười tươi giới thiệu: “Nhãn này trồng được 7 năm rồi, hiệu quả cũng khá lắm. Năm nay tính ra lợi nhuận trên 360 triệu đồng.

Rồi anh dẫn chúng tôi tham quan vườn có đến hàng trăm gốc nhãn xanh tươi do được ông chủ chăm sóc chu đáo.

Vừa đi anh vừa kể: hồi trước học hết lớp 12, anh nghỉ học để phụ gia đình chăm lo vườn tược. Và công việc đầu tiên khi trở thành nông dân của anh là tham khảo, tiếp cận và học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả để đưa kinh tế gia đình phát triển hơn. Bởi lẽ trước giờ làm ruộng nên “kinh tế gia đình còn bấp bênh lắm”- anh nói.

Qua tìm hiểu, thấy trồng nhãn Ido mang lại hiệu quả kinh tế, anh đã bàn với gia đình chuyển đổi đất canh tác lên vườn để trồng giống nhãn này.

Thế là anh cùng gia đình bắt tay lên liếp, đắp mô và nhất là tìm mua những cây giống tốt khỏe mạnh vì theo anh đây cũng là một trong những khâu không kém phần quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Anh cho biết: Mặc dù đã tham khảo trước những kỹ thuật chăm sóc và “nắm chắc thành công” nhưng đến khi trực tiếp canh tác thì mới thấy khó khăn, nhất là khâu xử lý cho cây ra hoa, đậu trái. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến vườn nhãn gia đình anh thời gian đầu cho trái nhỏ lại thưa.

Nhưng bằng sức trẻ và ý chí vươn lên cũng như biết đúc kết kinh nghiệm thực tiễn mà nay vườn nhãn của anh hầu như cây nào cũng cho trái sai, to và đẹp.

Đó là chưa kể, anh còn trồng thêm cam xoàn để hạn chế bóng mát của nhãn ảnh hưởng đến ruộng cạnh bên lại vừa có thêm thu nhập.

Anh chia sẻ: “Nghề nào cũng vậy, phải có đam mê, yêu nghề thì mới có thể làm tốt được. Như cây nhãn, mình phải biết chăm sóc như tỉa cành, bón phân, xịt thuốc và nhất là phải canh đúng thời điểm đọt nhãn ra “cơi 3” thì xử lý cho ra trái là hiệu quả nhất”.

Làm giàu từ mô hình đa canh

Anh Tú (bên trái) cho rằng thanh niên nếu chí thú làm ăn thì làm giàu sẽ không khó.
Anh Tú (bên trái) cho rằng thanh niên nếu chí thú làm ăn thì làm giàu sẽ không khó.

Là con út trong gia đình thuần nông nên từ nhỏ anh Nguyễn Văn Tú (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê nhà.

Hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên học xong lớp 11, anh quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình và xem đây là cơ hội để thực hiện ước mơ của mình.

Để góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình, năm 2012 anh bắt đầu tập trung cải tạo 9 công ruộng để trồng tre điền trúc. Vì theo anh đây là giống tre dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho hiệu quả cao nếu như biết khai thác tốt.

Anh cho biết: Thường tre sẽ cho măng từ tháng 3 đến tháng 8, nhưng như thế thì giá chỉ khoảng 7.000 đ/kg. Thế là anh xử lý cho ra măng mùa nghịch để hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, để làm được măng mùa nghịch vụ thì phải có kỹ thuật riêng. Thế là từ tháng 5 âl anh đã tập trung nuôi dưỡng cây bố mẹ, vô đất...

Thường người ta bồi sình vào gốc tre để tạo ẩm độ còn anh lại có cách làm khác, bởi “nếu làm bồi như thế sẽ gây độ ẩm cao, đất không tơi xốp nên dễ bị bệnh”- anh chia sẻ. Đặc biệt, anh cũng mạnh dạn vay trên 30 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu, tạo mưa giả để duy trì ẩm độ kích thích tre ra măng.

Mỗi vụ thu hoạch măng kéo dài khoảng 5 tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi công anh lời hơn 50 triệu đồng. Và từ nguồn vốn tích lũy được, anh mua thêm 6 công đất để trồng loại tre này.

Bên cạnh đó, anh còn tận dụng những khoảng đất trống khi tre còn nhỏ trồng xen các loại hoa màu như dưa leo, mướp, khổ qua, ngò gai để “lấy ngắn nuôi dài”, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.

Không chỉ vậy, anh còn trồng thêm dừa và tham gia tổ nhân lúa giống ở ấp Kinh Mới. Với anh, “còn trẻ, còn khỏe thì phải không ngại khổ, tích cực làm ăn thì kinh tế gia đình mới ngày càng khấm khá lên được”- anh nói- “Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm mà tôi đúc kết được trong quá trình lập thân lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng của mình”.

Với cách nghĩ và tinh thần cần cù, chịu khó làm ăn mà mỗi năm sau khi trừ chi phí anh Tú lợi nhuận hơn 350 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp trên.

Nói về chàng thanh niên này, Bí thư Xã Đoàn Mỹ Thuận Nguyễn Hoài Phong cho biết: Tú là thanh niên nông dân tiêu biểu, chí thú làm ăn và đặc biệt là biết chọn những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Anh là tấm gương lập thân lập nghiệp để đoàn viên thanh niên khác học hỏi.

Anh Đô và anh Tú không giấu nghề mà còn hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng trọt cho các đoàn viên thanh niên địa phương cùng nhau phát triển kinh tế. Đồng thời, 2 “nông dân áo xanh” này còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên, thời vụ và tích cực tham gia các hoạt động địa phương.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ