Bạn trẻ- đừng để "mai rồi tính"

Cập nhật, 14:12, Thứ Sáu, 09/03/2018 (GMT+7)

Tương lai mình sẽ làm gì, mình phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng gì... Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại khó tìm ra đáp án với không ít bạn trẻ. Bởi các bạn cho rằng: chuyện tương lai để mai rồi hẳn tính.

Hãy tưởng tượng nếu một sáng nào đó bạn thức dậy mà không biết hôm nay mình sẽ làm gì, đi đâu, về đâu thì cuộc sống sẽ vô vị biết dường nào?

TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tương tác với sinh viên về hoạch định tương lai, sống có lý tưởng.
TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tương tác với sinh viên về hoạch định tương lai, sống có lý tưởng.

Không có định hướng

Theo khảo sát nhỏ của chúng tôi khi hỏi một số bạn trẻ về mục tiêu, lý tưởng sống thì các bạn trả lời rất hay, rất “êm tai”. Tuy nhiên, thái độ sống và hành xử của các bạn thì thật đáng quan tâm.

Có thành tích học tập tốt và chuẩn bị du học nước ngoài, thế nhưng Q.C. (TP Vĩnh Long) lại tỏ ra khá ấp úng khi chúng tôi hỏi vì sao quyết định du học. Q.C. giải bày: thật ra đây là quyết định của gia đình, còn bản thân em chỉ biết học chứ chưa nghĩ gì sâu xa.

Hỏi em có nghĩ tới sau này sẽ lo cho gia đình hay làm việc gì có ích cho xã hội, thì em ấy liền trả lời rằng “bản thân mình lo chưa xong sao dám nghĩ đến lo cho ai”.

Với tâm lý “tới đâu tính đến đó”, hàng ngày sau giờ học, Minh Th.- học sinh lớp 12 (TP Vĩnh Long) vẫn đều đặn đến tiệm net chơi game.

Kết quả học tập bình thường lại sắp đến kỳ thi quan trọng nhưng em chưa “rục rịch” ôn luyện bài vở. Th. vẫn thản nhiên “đậu hay rớt gì cũng có sao đâu, cứ tà tà rồi cũng qua”, bởi “nhà em có tiệm sửa xe rồi, đâu sợ không có việc làm”.

Vì không vạch sẵn mục tiêu phấn đấu, lý tưởng sống rõ ràng nên không ít bạn trẻ dần mất phương hướng. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn không biết mình đang muốn gì hay thích làm điều gì, dẫn đến việc tự đánh mất bản thân, sống lệch lạc, bi quan.

Mặt khác, nhiều bạn trẻ cho rằng đừng sống quá bận rộn, cứ sống tự nhiên, đến đâu hay đến đó, cứ mặc kệ, vô tư. Hay có bạn quen sống dựa dẫm vào cha mẹ mình vì cho rằng “đâu cần phải đặt mục tiêu gì. Cha mẹ lo hết mọi chuyện rồi”...

Điển hình như trường hợp của bạn Hồng Nhung, sinh viên ngành sư phạm ĐH Cần Thơ. Theo lời kể của cô sinh viên năm 3 thì em học ngành này là theo gợi ý của cha mẹ. Bởi khi làm hồ sơ thi ĐH, em không biết chọn ngành nào.

Hồng Nhung cho hay: “Lúc mới vào học, em muốn bỏ cuộc giữa chừng vì thấy mình không hợp nghề này cho lắm. Bởi ngành sư phạm đòi hỏi người thầy phải có cái tâm và thật sự yêu thương học sinh thì mới làm tốt được. Nhưng nghĩ lại nếu làm vậy là phụ công cha mẹ, em đành cố gắng học tiếp.

“Vậy đó, khi làm điều mà mình không thích hoặc không có định hướng trước thì làm sao có động lực thực hiện và đạt kết quả tốt được. Cũng may là giờ em đã thích làm cô giáo rồi, vất vả chút mà vui”- Nhung bày tỏ.

Phải biết mình nên làm gì

Bạn Nguyễn Hoàng Phúc Khang- sinh viên ngành Điện tử truyền thông ĐH Cần Thơ thì thắc mắc: “Tôi có một người bạn thi không đậu ĐH.

Nhiều năm liên tục phấn đấu với ước mơ được vào ĐH Y dược nhưng kết quả vẫn không đạt được. Khi tôi nói chuyện với bạn, bạn cũng chỉ cười và bảo đã cố gắng. Trong trường hợp này, bạn ấy có phải là người sống có mục tiêu, định hướng?

Thắc mắc của Khang cũng chính là thắc mắc chung của nhiều bạn trẻ, bởi thực tế có không ít bạn trẻ chưa hình dung được như thế nào mới là sống có định hướng, mục tiêu.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Câu hỏi lớn nhất trong đời người là “mình sống để làm gì?” Khi có mục đích sống, cuộc sống sẽ có một ý nghĩa rõ ràng, từ đó mới vẽ nên một hướng đi rõ ràng.

Nếu không biết sống để làm gì thì cuộc sống rơi vào bế tắc, chán chường và nhạt nhẽo. Hơn nữa, khi có một mục đích ý nghĩa để theo đuổi, con người cần phải đi bằng thực chất, bằng con đường có ý nghĩa chứ không phải là lối sống vô định, buông thả…

TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng: Bạn trẻ cần biết, sống để báo hiếu cha mẹ cũng là lý tưởng. Sống để khỏe mạnh, tự nuôi được mình và giúp một số người kém may hơn cũng là lý tưởng.

Không nhất thiết ai cũng phải có mục đích vĩ đại nhưng ít nhất chúng ta phải biết mình sống để làm gì và mục đích ấy không gây hại cho người khác. Và ít nhất phải có một đóng góp nào đó cho xã hội, cho người khác…

Sống có định hướng, mục tiêu và lý tưởng là động lực để chúng ta vươn lên làm việc, học tập, dám dấn thân và cống hiến cho cộng đồng…

Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ vẫn còn “dễ dãi” đối với bản thân trong việc đặt mục tiêu phấn đấu, thụ động, không chịu dấn thân, không nuôi lý tưởng và có hoài bão, luôn mang tâm lý “chẳng cần phải vượt khó, chẳng cần phải có hoài bão”.

Vì thế, ngay từ bây giờ bạn trẻ hiểu được mình cần và nên làm gì, đồng thời vạch sẵn kế hoạch định hướng tương lai.

Có thể chỉ đơn giản như học tập thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, làm việc chăm chỉ để khẳng định bản thân và chăm lo cho gia đình hay phấn đấu làm được ngành nghề mình yêu thích để làm vui lòng cha mẹ và cống hiến cho xã hội...

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY